Chăm lo Tết cho người nghèo

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đang cùng với các ban ngành và địa phương tập trung triển khai nhiều giải pháp và huy động xã hội hóa để kịp thời hỗ trợ, đảm bảo người nghèo, người có công, gia đình chính sách đều được đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.


Không để hộ dân nào thiếu đói


Ông Thái Phúc Thành, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTBXH, cho biết: Để đảm bảo không người dân nào bị đói, không có Tết, ngay từ cuối năm 2013, Bộ LĐTBXH đã đề nghị các địa phương bị thiệt hại do thiên tai rà soát, tổng hợp số hộ có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ và giáp hạt đầu năm 2014 để hỗ trợ kịp thời. Trường hợp ngân sách địa phương không đáp ứng đủ, các tỉnh thành sớm đề nghị hỗ trợ gạo từ nguồn TƯ về Bộ LĐTBXH.

 

Ngày 17/1, đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh Nghệ An đến thăm và tặng quà cho các gia đình chính sách tiêu biểu, già làng, trưởng bản có uy tín huyện Kỳ Sơn.
Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN


Hiện có 16 tỉnh thành đề xuất hỗ trợ gạo cứu đói trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ gồm: Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Ninh Thuận, Ninh Bình, Thanh Hóa, Kon Tum, Khánh Hòa, Sơn La, Hà Nam, Đắk Lắk. Trong số này, có 3 tỉnh mới đề xuất hỗ trợ là: Sơn La (5.340 tấn), Hà Nam (2.000) tấn, Đắk Lắk (1.300 tấn) và dự kiến sẽ được phê duyệt trong những ngày tới. Riêng tỉnh Khánh Hòa sau đó đã tự cân đối được ngân sách nên không đưa vào diện hỗ trợ gạo từ ngân sách TƯ.


Với các tỉnh còn lại đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ tổng số 12.322 tấn gạo, kịp thời hỗ trợ người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Việc thực hiện cứu trợ này dựa trên nguyên tắc khẩn trương và kịp thời đến gia đình bị thiếu đói trên cơ sở danh sách được lập. Để tránh tình trạng cung cấp không đúng đối tượng, Bộ sẽ thành lập những đoàn thanh tra đột xuất, đồng thời sẽ kết hợp với việc giám sát cộng đồng, thông tin phản ánh từ báo chí.

Mức thưởng Tết bình quân tăng 20%

Theo ông Tống Văn Lai, Vụ phó Vụ Lao động Tiền lương, Bộ LĐTBXH, báo cáo tại các địa phương cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp thưởng Tết âm lịch cho người lao động với mức thưởng bình quân khoảng 1 tháng lương, tương đương 4,4 triệu đồng/người, tăng 20% so với thưởng Tết âm lịch bình quân năm 2013. Mức thưởng Tết âm lịch chủ yếu do tiền lương của người lao động tăng.

 Mức thưởng cao nhất là tại doanh nghiệp FDI thành phố Hồ Chí Minh, khoảng 709 triệu đồng, tăng 9,2% so với mức thưởng Tết âm lịch cao nhất năm 2013 (650 triệu đồng). Tuy nhiên, cũng có 420 doanh nghiệp với 118.000 lao động ở 4 tỉnh, thành không có thưởng Tết là Bắc Ninh, Hải Dương, Phú Thọ, Thanh Hóa.

Cũng theo ông Tống Văn Lai, mức thưởng Tết Dương lịch bình quân khoảng 1,1triệu đồng/người, bằng 90% so với mức thưởng Tết dương lịch bình quân năm 2013. Mức thưởng cao nhất là doanh nghiệp FDI TP Hồ Chí Minh khoảng 463,7 triệu đồng, bằng 74,3% mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất năm 2013. Đồng thời, có 596 doanh nghiệp với khoảng 256.000 lao động ở 8 tỉnh thành không có thưởng Tết Dương lịch.

Tổng hợp chung cho thấy, tiền lương năm 2013 có xu hướng tăng hơn 2012 với mức bình quân ước đạt 5 triệu đồng/tháng, tăng 19,2% so với năm 2012. Người có mức lương cao nhất là 434,2 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 69,6% so với mức lương cao nhất năm 2012 (634 triệu đồng/tháng). Tuy vậy, do tình hình sản xuất khó khăn, có 22 tỉnh thành báo cáo có 79 doanh nghiệp nợ gần 76 tỷ đồng tiền lương của hơn 10.000 lao động.

“Đây là những doanh nghiệp đang chờ phá sản. Để giảm thiểu tình trạng này, Bộ LĐTBXH phối hợp các ngành hữu quan, địa phương tăng cường, thanh kiểm tra, có biện pháp xử phạt doanh nghiệp vi phạm các quy định về lao động, tiền lương”, ông Tống Văn Lai khẳng định.

X.C

Bên cạnh nguồn hỗ trợ gạo từ ngân sách TƯ, các tỉnh thành còn huy động nguồn lực xã hội hóa. Hiện nay, có 20 tỉnh thành trích tiền ngân sách để trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội như người tàn tật, hộ nghèo. Trong đó, mức cao nhất tại TP Hồ Chí Minh là 700.000 đồng/hộ; Đà Nẵng, Cần Thơ là 500.000 đồng/hộ, thấp nhất là Nghệ An với 100.000 đồng/hộ. “Nhiều tỉnh vận động các nguồn ngoài ngân sách rất tốt, điển hình là tỉnh Thái Bình với 100% hộ nghèo đều có quà dịp Tết”, ông Thái Phúc Thành cho biết.


Theo ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, do nước ta còn khó khăn nên chỉ trích nguồn ngân sách để hỗ trợ gạo cho gia đình thiếu đói. Việc chăm lo cho gia đình nghèo phụ thuộc vào ngân sách địa phương và phát động phong trào xã hội hóa. Điển hình như các phong trào tặng quà, chăm lo Tết của Hội chữ thập đỏ, Mặt trận Tổ quốc đang được phát động rộng rãi với phương châm đảm bảo tất cả mọi người, mọi gia đình đều có Tết.


Chú trọng đối tượng có công, gia đình chính sách


Ông Dương Minh Đỗ, Phó Cục trưởng Cục Người có công, Bộ LĐTBXH, cho biết: Theo quyết định tặng quà của Chủ tịch nước, có hai mức tặng quà cho người có công, gia đình chính sách là 200.000 đồng và 400.000 đồng.


“Tổng số đối tượng có công, gia đình chính sách được tặng quà dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 là hơn 2,5 triệu người với tổng số tiền khoảng 350 tỷ đồng. Cùng với quà tặng của Chủ tịch nước, các địa phương cũng tùy nguồn lực trích từ nguồn ngân sách tỉnh thành và huy động xã hội hóa đảm bảo 100% các đối tượng người có công, gia đình chính sách đều có quà Tết. Hiện có 22 tỉnh thành phố báo cáo trích ngân sách địa phương chăm lo người có công với kinh phí khoảng 500 tỷ đồng và con số này sẽ còn được cập nhật. Dự kiến mức hỗ trợ người có công sẽ tương đương và hơn năm trước. Năm 2013 mức hỗ trợ từ nguồn kinh phí địa phương là 700 tỷ đồng”, ông Dương Minh Đỗ cho biết.


Bên cạnh đó, với đạo lý uống nước nhớ nguồn, lãnh đạo các bộ ngành, chính quyền các cấp và tổ chức xã hội đều tổ chức các đoàn đến thăm, tặng quà, động viên tinh thần đối với các thương binh đang điều trị tại các trung tâm, gia đình thương binh, gia đình cách mạng.


Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN