“Chảo lửa” Ukraine sôi sục

Chính trường Ukraine những ngày cuối tuần qua đã chứng kiến nhiều diễn biến đột ngột, cho thấy tình hình tại quốc gia Đông Âu này đã lún sâu thêm vào vòng xoáy bất ổn.


Diễn biến chớp nhoáng


Trong phiên họp khẩn cấp ngày 23/2, Quốc hội Ukraine đã thông qua nghị quyết về chuyển giao quyền lực của Tổng thống Viktor Yanukovych cho tân Chủ tịch Quốc hội Alexandre Turchinov. Quyết định trên được đưa ra bất chấp tuyên bố trước đó của Tổng thống Yanukovych rằng, các quyết định của Quốc hội lúc này đều là bất hợp pháp.


Hàng nghìn người tập trung tại quảng trường Độc lập ngày 23/2. AFP/TTXVN


Cùng với nghị quyết về chuyển giao quyền lực, Quốc hội Ukraine cũng đã thông qua một loạt nghị quyết khác như xung công quỹ nhà nước một dinh thự cá nhân của Tổng thống Yanukovych ở ngoại ô thủ đô Kiev, miễn nhiệm chức Ngoại trưởng của ông Leonid Kozhara. Ngoài ra cũng đã có lệnh bắt giữ cựu Bộ trưởng Thuế vụ Oleksander Klimenko và cựu Tổng công tố Viktor Pshonka.


Cũng ngay trong phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội Turchinov, với tư cách là Tổng thống tạm quyền của Ukraine, đã chỉ thị các nghị sĩ nhanh chóng hình thành phe đa số trong Quốc hội, cũng như thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc vào ngày 25/2 tới.


Trước đó, nghị quyết phế truất Tổng thống Yanukovych đã được Quốc hội thông qua nhanh chóng ngày 22/2 với lý do ông không thể hoàn thành nhiệm vụ theo hiến pháp, dẫn tới chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine bị đe dọa. Trong phiên họp này, quốc hội Ukraine cũng đã bỏ phiếu nhất trí việc tổ chức bầu cử tổng thống sớm vào ngày 25/5 tới.


Các hãng tin dẫn nguồn nói rằng ông Yanukovych đã tới Kharkov, thành phố ở miền đông Ukraine được cho là căn cứ chính trị của ông. Tổng thống Yanukovych tuyên bố rằng đây là một vụ đảo chính và ông sẽ không từ chức, sẽ không rời Ukraine và sẽ không chấp nhận bất kỳ quyết định nào của quốc hội.


Bà Tymoshenko ngồi xe lăn phát biểu trước người biểu tình ở Kiev ngày 22/2.


Trong khi đó, phát biểu tại Quảng trưởng Độc lập ở thủ đô Kiev ngày 23/2, cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko, thủ lĩnh đối lập vừa được trả tự do hôm 22/2, đã thông báo về kế hoạch trở lại làm việc trong thời gian gần nhất. Bà Tymoshenko cho biết sẽ tham gia tranh cử tổng thống, đồng thời bày tỏ ủng hộ nỗ lực bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Ukraine.


Về phần mình, quân đội và cảnh sát Ukraine tuyên bố sẽ không dính líu vào bất kỳ xung đột đảng phái nào. Lực lượng an ninh đều đã “bỏ mặc” các tòa nhà chính phủ và dinh tổng thống, thậm chí cả dinh thự riêng của ông Yanukovych, khiến bất kỳ ai cũng có thể ra vào tùy ý.


Trong khi đó, người biểu tình vẫn cố thủ ở Quảng trường Độc lập - nơi họ đã biến thành “thành phố lều trại” suốt ba tháng qua. Thủ lĩnh biểu tình Vitali Klitschko tuyên bố: “Đây là một cú nốc ao chính trị dành cho ông Yanukovych. Ông ta không còn là tổng thống nữa”.


Theo nhận định của phóng viên TTXVN tại Nga, một phần nguyên nhân khiến Tổng thống Yanukovych phải liên tiếp nhượng bộ để rồi bị lật đổ là do ông đã giữ đúng quan điểm dân chủ và cam kết đã ký, trong khi phe đối lập lại đầy toan tính, biết xé bỏ cam kết theo cách có lợi nhất. Cách phe đối lập sử dụng các phong trào cực đoan để không tôn trọng thỏa thuận với tổng thống, kể cả thỏa thuận ngừng bắn lẫn thỏa thuận có sự chứng kiến của các ngoại trưởng Liên minh châu Âu, đã càng đẩy cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine nhanh tiến tới bước ngoặt.


Phản ứng trái chiều


Trước những diễn biến nóng bỏng trên chính trường Ukraine, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 22/2 đã bày tỏ sự lo ngại nghiêm trọng của Nga về việc phe đối lập Ukraine không tuân theo thỏa thuận hòa bình vừa mới ký hôm 21/2.


Trong cuộc điện đàm với ngoại trưởng các nước Đức, Ba Lan và Pháp, ông Lavrov nói: “Phe đối lập không thực hiện bất kỳ nghĩa vụ nào và còn đưa ra thêm yêu sách mới sau những hành động của những kẻ bạo loạn, cực đoan. Điều này đe dọa trực tiếp chủ quyền và hệ thống hiến pháp của Ukraine”. Ông Lavrov nhấn mạnh: “Đã đến lúc chấm dứt quan điểm sai lầm của dư luận quốc tế và ngừng ngay việc giả vờ coi những người biểu tình ở quảng trường Độc lập là đại diện cho lợi ích của Ukraine”.


Trái với tâm trạng lo ngại của Nga, những gì đang diễn ra tại Ukraine lại khiến nhiều nước phương Tây hoan hỉ. Ngay sau khi Tổng thống Ukraine Yanukovych bị lật đổ và bà Tymoshenko được phóng thích, Nhà Trắng đã ra tuyên bố hoan nghênh hai sự kiện này, cho rằng nhờ đó mà Ukraine có thể thoát khỏi vòng xoáy bạo lực, hướng tới ổn định chính trị. Mỹ cũng cho biết đã đề xuất hỗ trợ tài chính cho Ukraine tái thiết nền kinh tế.


Trong khi đó, cùng với ngoại trưởng Anh và Pháp, quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton, ngày 22/2 cũng hoan nghênh việc cựu Thủ tướng Tymoshenko được tự do, coi đây là diễn biến quan trọng. Bà Ashton cho rằng Ukraine cần một giải pháp lâu dài cho khủng hoảng chính trị.


Anh ngày 23/2 cũng cảnh báo Nga không can thiệp vào cuộc khủng hoảng "đang hết sức rối ren" ở Ukraine. Ngoại trưởng Anh William Hague thông báo chính phủ của ông vẫn liên lạc thường xuyên với chính phủ Nga nhằm thuyết phục Moskva rằng, quan hệ gần gũi hơn giữa Kiev và Liên minh châu Âu (EU) không đáng lo ngại.


Những diễn biến trên cho thấy cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Ukraine đã đi vào một giai đoạn nguy hiểm mới. Trong bối cảnh đó, Giáo sư Dmitri Trenin - Giám đốc Trung tâm Carnegie Moskva - cho rằng chắc chắn một điều là cả Nga và phương Tây đều sẽ bị thiệt hại khi để Ukraine trở thành một chiến trường mới của châu Âu. Giải pháp tốt nhất là Nga và phương Tây hợp tác trong vấn đề Ukraine, quan tâm tới những khác biệt đang tồn tại giữa hai bên. Những người đối thoại chính trong trường hợp này nên là Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Đức Merkel. Cả Berlin và Moskva cần phải thúc giục tất cả các bên tại Ukraine dừng ngay bạo lực và đàn áp, khôi phục tiến trình nghị viện để có những cải cách hiến pháp và bầu cử quốc gia; khôi phục hệ thống quản trị trên khắp đất nước.

 
Thùy Dương (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN