Trong Chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” phát sóng trên kênh VTV1 - Đài THVN tối 30/9, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình (ảnh) đã tập trung đề cập vấn đề chất lượng của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở (CBCS), chế độ đãi ngộ của Đảng và Nhà nước với đội ngũ này; các giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ CBCS, nhằm đảm bảo yêu cầu, mong muốn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương...
Có một thực tế là hơn 50% các ý kiến của cử tri cũng như các đại biểu Quốc hội thời gian qua đều đề cập tới vấn đề chất lượng của đội ngũ CBCS ở xã, phường, thị trấn - cấp thấp nhất trong bộ máy chính quyền, nhưng cũng là cấp “gần” dân nhất. Có ý kiến cho rằng các vụ việc ở địa phương, dù ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp đều liên quan đến đội ngũ cán bộ xã, phường hoặc thị trấn nơi đó, không ít trong số đó là do trình độ hạn chế của các CBCS. Cũng có những ý kiến chỉ rõ: Cơ chế lương và phụ cấp rất thấp của đội ngũ CBCS hiện nay là nguyên nhân khiến cho các địa phương không thể thu hút người có chuyên môn, nghiệp vụ về công tác, dẫn tới tỷ lệ CBCS có chuyên môn rất thấp, gây cản trở cho hoạt động quản lý nhà nước cũng như gây bức xúc cho người dân trong quá trình giao dịch với chính quyền cấp cơ sở...
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, chế độ đãi ngộ không phải là nguyên nhân dẫn tới tình trạng chất lượng đội ngũ CBCS thấp. Bộ trưởng khẳng định: “Chúng ta phải nhìn một cách tổng thể, khách quan, toàn diện và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, từ cơ chế chính sách, chế độ đãi ngộ, đến thực trạng đội ngũ cán bộ công chức ở cơ sở hiện nay”.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nêu rõ: Nếu như trước năm 2003, đội ngũ cán bộ chuyên trách xã, phường, thị trấn chỉ được hưởng chế độ sinh hoạt phí hàng tháng; thì từ năm 2003, đã được chuyển sang hưởng theo chế độ tiền lương. Và đến năm 2011, thì chế độ tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội của đội ngũ cán bộ công chức xã, phường, thị trấn thậm chí còn được thực hiện như cán bộ công chức cấp huyện trở lên. “Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ công chức ở xã, phường, thị trấn. Do đó không thể nói nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ này thấp là do chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân dẫn tới chất lượng của đội ngũ CBCS chưa cao là bởi đội ngũ này được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau và từ nhiều thời kỳ khác nhau. Trên thực tế, trước năm 2003, chúng ta chưa có quy định cụ thể nào về tiêu chuẩn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã, phường, thị trấn, nên cũng chưa có điều kiện tập trung đúng mức cho đội ngũ CBCS này. “Trong khi đó, đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn trước 2003 vẫn đang nằm trong đội ngũ CBCS hiện nay. Vấn đề tiêu chuẩn hóa hay thay thế đều đòi hỏi phải có quá trình và thời gian nhất định. Theo thống kê, tính đến nay cả nước còn hơn 6% công chức của xã, phường, thị trấn chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, tỉ lệ này còn cao hơn, cá biệt có nơi lên tới hơn 30%. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng phục vụ của đội ngũ CBCS chưa cao, chưa đáp ứng được nguyện vọng mong muốn của đảng bộ, chính quyền và nhân dân của từng địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cũng khẳng định, Bộ Nội vụ đang có nhiều biện pháp để cải thiện chất lượng CBCS, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Theo đó, với chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; đồng thời với mong muốn sớm đưa Luật Cán bộ công chức đi vào cuộc sống; trong những năm qua, Bộ Nội vụ đã chủ động tham mưu cho Chính phủ ban hành 10 Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Cán bộ công chức, trong đó có 2 Nghị định liên quan đến chế độ chính sách đối với CBCS. Bộ cũng chủ động tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành một số quyết định để cụ thể hóa thêm Luật Cán bộ công chức và các nghị định nêu trên.
“Tuy nhiên, trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện, theo phản ánh của nhiều địa phương thì chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ công chức xã, phường, thị trấn còn nhiều bất cập, đặc biệt chế độ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, tổ dân phố, thôn... Trên cơ sở đó, trước mắt, Bộ đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng đồng ý cho tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92, đặc biệt là tập trung vào chế độ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, tổ dân phố, thôn. Dự thảo sửa đổi cơ bản đã được hoàn thiện, đang gửi lấy ý kiến các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương. Về cơ bản và lâu dài, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã giao cho Ban cán sự Đảng bộ của Bộ Nội vụ, trên cơ sở tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX và trên cơ sở kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, xây dựng đề án tương đối toàn diện về chế độ chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn, chế độ chính sách đối với cán bộ về công tác ở xã có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn. Chúng tôi đang tập trung xây dựng, hy vọng sẽ hoàn chỉnh và trình trong năm 2013”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Có một tồn tại nữa khiến người dân băn khoăn về chất lượng của đội ngũ CBCS, đó là việc “mù mờ” trong công tác tuyển cán bộ công chức xã, phường, thị trấn, như một người dân đã phản ánh “thỉnh thoảng chúng tôi lại thấy có cán bộ mới, trình độ thì không biết như thế nào, mà nhiều khả năng là con ông cháu cha của ai đó gửi vào”...
Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, đã có những quy định rất cụ thể của luật pháp. Để trở thành cán bộ xã, phường, thị trấn đều phải qua bầu cử theo quy định của pháp luật và theo điều lệ của từng tổ chức. Ví dụ như để trở thành Bí thư Đoàn thanh niên phải được đại hội Đoàn xã, phường, thị trấn bầu, để trở thành Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ phải được đại hội của Hội Phụ nữ bầu ra. Với Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh cũng phải qua bầu cử như vậy. Còn đối với công chức cấp xã, phường, thị trấn thì khi tuyển dụng có 2 hình thức là thi tuyển và xét tuyển.
Trong đó hình thức xét tuyển chỉ dành cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, dân tộc ít người, và đặc biệt là với các xã có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn. Còn hình thức thi tuyển thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật, mà ở đây là theo Nghị định 112 ban hành năm 2011. Nghị định này có những quy định tương đối cụ thể về việc thi tuyển, đặc biệt là quy định phải công khai việc thi tuyển trên các phương tiện thông tin đại chúng, và niêm yết ở trụ sở UBND xã, phường, thị trấn - nơi có nhu cầu tuyển dụng trong thời gian ít nhất 30 ngày. “Nếu thực hiện theo các quy định nêu trên, khâu thi tuyển, xét tuyển sẽ đảm bảo tính công khai, dân chủ, minh bạch theo mong muốn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định.
A.A