Người dân Ấn Độ mua bán hành tại khu chợ ở Mumbai ngày 22/8. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Anh, trong số các nền kinh tế mới nổi, Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á đang có đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Điển hình là kinh tế Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, tăng trưởng 5,2% trong quý II/2016, mức tăng trưởng nhanh nhất trong 10 quý gần đây.
Kinh tế Philippines tăng trưởng 7% trong quý II/2016, tăng mạnh hơn dự báo và là mức tăng nhanh nhất trong ba năm qua. Ấn Độ, nền kinh tế xếp thứ bảy trên toàn cầu về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), ghi nhận bước tăng trưởng vượt bậc 7,9% trong quý I/2016.
Giới phân tích Anh cho rằng đà tăng trưởng tích cực nói trên giúp châu Á khẳng định vị thế là khu vực tăng trưởng nhanh nhất cho tới thời điểm này. Nhịp độ tăng trưởng trung bình của các nền kinh tế mới nổi, bao gồm hầu hết các nước châu Á, không kể Nhật Bản và Singapore, nhiều khả năng sẽ vượt xa mức tăng trưởng trung bình tại các nền kinh tế phát triển. Triển vọng này có thể khiến nhiều nhà đầu tư tài chính trên toàn cầu phải cân nhắc phương án đầu tư.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng mặc dù đang trên đà phục hồi tích cực, song kinh tế châu Á chưa đạt được mức tăng trưởng trước khủng hoảng tài chính. Kim ngạch xuất khẩu giảm cùng với việc hàng hóa rớt giá và nhu cầu hàng hóa từ Trung Quốc giảm sút chính là yếu tố kiềm chế hoạt động kinh tế của châu lục này. Giới phân tích ghi nhận châu Á đang thích nghi với tình hình mới bằng cách giảm phụ thuộc vào xuất khẩu và thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng.
Công ty nghiên cứu Capital Economics cho hay chi tiêu tiêu dùng trong khu vực châu Á trong quý II/2016 tăng ở mức nhanh nhất kể từ quý IV/2012. Sự gia tăng nhanh chóng về dân số, thu nhập và xu hướng mua sắm trực tuyến hứa hẹn mang lại cơ hội đầu tư, kinh doanh cho các công ty trên toàn thế giới, đặc biệt là các công ty châu Âu và Mỹ.