Tờ báo điện tử Zpravy.tiscali.cz của CH Séc ngày 10/8 đã đăng bài của tác giả Hana Dubnová viết về những thành công của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua. Tác giả nhận định: "Việt Nam đang trên con đường trở thành con hổ mới ở châu Á".
Tác giả Hana Dubnová cho biết, sau nhiều thập niên đối mặt với những thách thức và nghèo đói thì Việt Nam giờ đây đang trên con đường hóa thành "con hổ kinh tế" mới của châu Á. Các nhà đầu tư vẫn quan tâm tới đất nước này bất chấp nền kinh tế thế giới đang phát triển ì ạch. Nếu Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì đà phát triển này thì có thể sẽ có mức tăng trưởng kinh tế chóng mặt như từng có ở Trung Quốc.
Cuộc hội thảo "Việt Nam đổi mới" do Hội Phụ nữ cánh tả ở thành phố Mlada Boleslav (CH Séc) tổ chức. Ảnh: Trần Quang Vinh |
Trong thập niên 80 đất nước Việt Nam bị cuộc chiến tranh lâu dài tàn phá, được xếp hạng là một quốc gia đang phát triển và về kinh tế chỉ cạnh tranh được với Ethiopia. Sau đó đất nước của 90 triệu dân hiểu rằng chủ nghĩa cộng sản có thể sử dụng vốn tư bản nước ngoài và trong những năm 90 Việt Nam đã đơn giản hóa các quy tắc kinh doanh của mình và bắt đầu bay lên các vì sao.
Bắt đầu từ năm 1990 nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng bình quân 6%/năm, cao hơn cả Trung Quốc. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức kỷ lục trong năm 2015 và năm nay thậm chí có thể còn cao hơn bởi vì chỉ trong nửa đầu năm đã đạt 11,3 tỷ USD, tương đương 105 % so với sáu tháng đầu năm 2015.
Bà Hana Dubnová nhận định rằng, nếu tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn giữ được ở mức 7% thì quốc gia này đã sẵn sàng để hóa thành một đất nước Hàn Quốc hay vùng lãnh thổ Đài Loan của Trung Quốc.
Việt Nam biến vị trí địa lý tiếp giáp với Trung Quốc thành lợi thế cạnh tranh đặc biệt. Tiền lương của người lao động ở Trung Quốc đang tăng lên từ từ nhưng chắc chắn và vì thế các công ty nước ngoài chuyển các nhà máy sản xuất đến Việt Nam, nơi có giá nhân công rẻ hơn. Bởi Việt Nam ở rất gần Trung Quốc nên các công ty dù đã chuyển nhà máy sang Việt Nam thì vẫn có thể tiếp tục duy trì các mối quan hệ làm văn với Trung Quốc để được cung ứng nguyên vật liệu. Vì vậy mà xuất khẩu của Việt Nam tăng từ 15 đến 20%.
Chính phủ Việt Nam khuyến khích tất cả 63 tỉnh, thành cạnh tranh với nhau để thu hút các nhà đầu tư. Điều này dẫn đến các địa phương có các mục tiêu thu hút đầu tư khác nhau - tại thành phố Hồ Chí Minh là các khu công nghiệp, còn Đà Nẵng tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao.
Do nền kinh tế phát triển đa dạng mà Việt Nam không gặp những vấn đề lớn và đã vượt qua được cơn bong bóng bất động sản bùng nổ vào năm 2011.
Lực lượng lao động của Việt Nam không chỉ trẻ mà còn có học thức. Chính phủ Việt Nam đầu tư cho giáo dục 6,3% GDP, trong khi ở CH Séc là 4,5%. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các học sinh phổ thông 15 tuổi của Việt Nam có kết quả học tập tốt hơn về môn toán và các môn tự nhiên so với các học sinh ở châu Âu. Có thể các nhà máy sẽ được tự động hóa nhưng dù sao vẫn cần có những con người có học để kiểm soát, đó là những người biết họ đang làm gì...
Tuy nhiên, bà Hana Dubnová cũng cho biết: Chính phủ Việt Nam đang chịu sức ép là vừa giữ mức thâm hụt ngân sách dưới 6% vừa giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay. Để tăng nguồn thu ngân sách, ngoài những nguồn thu khác thì Chính phủ cần phải bán cổ phần của mình tại hơn 200 xí nghiệp quốc doanh. Các nhà đầu tư hy vọng rằng Việt Nam sẽ sớm bắt đầu đổi mới các doanh nghiệp nhà nước.
Báo cáo chung của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Ngân hàng Thế giới mang tên "Việt Nam đến năm 2035" cho thấy cái nhìn khá lạc quan. Báo cáo phân tích Việt Nam cần đi theo hướng nào để các doanh nghiệp nhà nước thành công hơn trong lĩnh vực kinh doanh và làm sao để khu vực kinh tế tư nhân phát triển năng động.
Nội lực của nền kinh tế Việt Nam nên được xem xét trong vài năm tới. Do có sự tăng trưởng nhanh và giờ đã lọt vào hạng các quốc gia có thu nhập trung bình nên Việt Nam có còn được hưởng các khoản vay ưu đãi từ các ngân hàng đầu tư phát triển nữa hay không. Giữ được sự ổn định và tăng trưởng kinh tế là một thách thức đối với Việt Nam.
Tác giả Hana Dubnová kết luận: "Nếu điều này thành công ở Việt Nam thì không chỉ đất nước này có cơ hội trở thành sự thần kỳ kinh tế mới mà còn là động lực để các quốc gia có điều kiện khởi đầu tương tự phấn đấu“.