“Chém mở cửa” – Tục lạ trong lễ cưới người Cill

Là một trong những tộc người thiểu số có số lượng dân cư khá đông ở Lâm Đồng, địa bàn cư trú của người Cill vẫn phổ biến là những vùng rừng núi xa xôi so với các tộc người khác. Khi cuộc sống ngày càng vươn tới văn minh hiện đại thì cộng đồng người Cill vẫn giữ được những nét bản sắc văn hóa độc đáo. Lang thang trong những buôn làng Cill giữa vùng rừng Đưng K’Nớh, chúng tôi đã khám phá được những nét tập tục thú vị trong đám cưới của những chàng trai, cô gái trẻ.

Hôn nhân của người Cill cho đến nay về cơ bản vẫn theo truyền thống mẫu hệ, với sự phổ biến của tục “bắt chồng”. Thay vì “rước dâu” như người Kinh, với người Cill là tục “rước rể” – đưa chàng trai về nhà cô gái. Trong các đám rước này, người cậu của chàng trai - người có vai trò quan trọng bậc nhất trong việc hôn phối của hai người - sẽ là người dẫn đầu và luôn mang theo một vật không thể thiếu đó là chiếc xà gạc (dụng cụ dùng để phát rẫy của đồng bào). Vật dụng này không chỉ có ý nghĩa thiết thân thường trực trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày mà còn là “vật thiêng” mở ra một giai đoạn mới cho những chàng trai, cô gái Cill ở tuổi trưởng thành.

Một đám cưới của thanh niên người Cill tại Lâm Đồng.


Trong đám cưới của người Cill, tục “Chém mở cửa” (tiếng Cill là “Leh pờ mpồng”) bắt nguồn từ xa xưa vẫn được cộng đồng người Cill trân trọng lưu giữ. Sau khi dẫn đầu đoàn “rước rể” về đến nhà gái, ông cậu tiến đến trước cửa buồng tân hôn của cô dâu chú rể và hô to: “Pờ mpồng pờ klo yang ền mot. Pờ mpồng dơng klo kvônh ền mot. Kơrdơ mpồng găn, muônh rơ manh klo re ơm mơ di!” (Mở rộng cửa cho chàng trai vào trong, không mở cửa thì chàng trai ở ngoài). Phía trong, ông cậu của cô gái sẽ đáp lời: “Mpồng 2 dăp co czăng ma glề, mpồng 3 dăp co czăng ma lòng, mpồng tơ nhòng co gòng ma luôs!” (Cửa 2 lớp người ta che bằng tre, cửa 3 lớp người ta che bằng gỗ, cửa bên trong người ta khoanh bằng sắt, chưa mở được). Dứt lời, người cậu của chàng trai ở ngoài sẽ dùng xà gạc chém tượng trưng liên tiếp 3 nhát để mở cửa dẫn chàng trai vào trong.

Theo già làng Rơông M’Biêng ở Đưng K’Nớh thì “Leh pờ mpồng” là tục lệ quan trọng nhất và không thể thiếu trong lễ cưới của người Cill. Đây là tục lệ đánh dấu sự khởi đầu của hôn nhân, khởi phát cho quá trình sản sinh nòi giống, sản sinh ra xã hội. Sau khi “phá cửa” và được nhà gái chấp nhận, chàng trai sẽ được dẫn vào bên trong và bắt đầu tiến hành lễ cưới (thường là do già làng làm chủ lễ). Trong lễ cưới chính của mình, cô dâu và chú rể được đính lên mũ 2 nắm cơm nếp cắm lông gà (hai vật tượng trưng cho sự bền chặt và mềm mại của tình yêu - hôn nhân) và hai người cụng đầu vào nhau 3 lần. Kết thúc nghi lễ này, chủ lễ sẽ chúc hai người “dài chân, dài tay như khỉ như vượn. Đi rừng, đi núi tránh được tai họa, khi về mang rau, mang củi. Sinh con, đẻ cái đầy đàn...”.

Không chỉ độc đáo, tục “Chém mở cửa” trong lễ cưới của người Cill còn mang ý nghĩa văn hóa, nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, điều thú vị ở đây là đối với những chàng trai, cô gái lỡ “ăn cơm trước kẻng” sẽ không được dòng họ hai bên cho phép tiến hành lễ tục này. Giải thích về điều này, một số già làng và trí thức người Cill cho biết: Người Cill luôn đề cao sự trinh tiết, trong trắng trong hôn nhân (trái ngược với nhận định của nhà dân tộc học khi đề cập đến quan hệ tiền hôn nhân một số tộc người thiểu số, trong đó có người Cill) cũng giống như luôn kiêng kị, lên án hôn nhân cùng dòng họ, vì thế người nào vi phạm sẽ không được tiến hành lễ tục cao quý này trong đám cưới của mình.

Bài và ảnh: Sơn Tùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN