Dự án vay vốn quỹ quốc gia về việc làm được triển khai qua Ngân hàng Chính sách xã hội tại tỉnh Lào Cai 5 năm qua đã nhận được sự đồng tình, chào đón của người dân địa phương và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Tạo việc làm ngay tại địa phương
Trong 5 năm (2010-2014), nguồn vốn giải quyết việc làm tỉnh Lào Cai đã được bổ sung 21,2 tỷ đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ tăng thêm 16 tỷ đồng, ngân sách địa phương cấp 5,2 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn cho vay tính đến hết năm 2014 đạt 62,7 tỷ đồng.
Hộ nghèo và đối tượng chính sách làm thủ tục vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lào Cai tại điểm giao dịch xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Theo bà Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Lào Cai, từ nguồn vốn được bổ sung, vốn thu hồi và nhu cầu việc làm của người lao động, Sở LĐTBXH phối hợp với các ngành chức năng và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tham mưu trình UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn cho các huyện, thành phố và 4 tổ chức hội (Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ) để triển khai thực hiện. Theo đó, đối tượng ưu tiên cho vay là người lao động dân tộc thiểu số, lao động nữ, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, lao động là người khuyết tật, thanh niên bộ đội xuất ngũ, hội viên các tổ chức hội, đoàn thể.
Nếu vấn đề giải quyết việc làm không đạt hiệu quả sẽ dẫn tới hệ lụy tình trạng người dân Lào Cai qua biên giới làm thuê trái pháp luật gia tăng. |
Kết quả, tổng doanh số cho vay trong 5 năm qua đạt trên 119 tỷ đồng với hơn 7.300 dự án. Trong đó, chỉ có 2 dự án bị rủi ro với số tiền là 40 triệu đồng. Do nhu cầu vay vốn lớn nên hằng năm không có nguồn vốn tồn đọng. Theo ông Phạm Văn Thuân, Phó chủ tịch Hội nông dân tỉnh Lào Cai, những dự án vay vốn đạt hiệu quả cao chủ yếu là sản xuất nông lâm nghiệp, kinh doanh dịch vụ buôn bán nhỏ, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Từ nguồn vốn này, các hộ đã đầu tư nuôi trâu, bò trên 25.000 con, chăn nuôi lớn 120.000 con, phát triển thủy sản với ha ao hồ, trồng rừng và cây ăn quả 273 ha, xây dựng trên 2.000 cửa hàng kinh doanh dịch vụ thương mại... góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị từ 2,% năm 2010 xuống dưới 2% vào năm 2014; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực. Cơ sở sản xuất gạch không nung của anh Châu Văn Chung ở xã Quang Kim, Bát Xát; cơ sở sản xuất gỗ rừng của anh Phạm Văn Thịnh ở Phố Lu, Bảo Thắng và nhiều mô hình trồng thâm canh như chuối cấy mô, dứa, quýt ngọt, nuôi cá chày mắt đỏ... tại huyện Mường Khương, Văn Bàn... đều là những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương và được đón tiếp nhiều đoàn đại biểu trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Nhiều hộ gia đình kinh tế phát triển bền vững từ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, từ khá lên giàu như dự án chăn nuôi lợn thịt ở thành phố Lào Cai, dự án sản xuất đồ gỗ tại huyện Bát Xát, dự án sản xuất nông nghiệp tại huyện Sa Pa... Đây đều là những mô hình kinh tế xuất phát từ nguồn vốn vay của quỹ quốc gia về việc làm giai đoạn 2010 - 2014 của tỉnh Lào Cai.
Nguồn vốn quá ít so với nhu cầu Trong giai đoạn 2010 - 2014, Lào Cai có hơn 56.000 lao động được tạo việc làm; trong đó, dự án vay vốn quỹ quốc gia về việc làm đã tạo việc làm cho thêm hơn 8.000 lao động (chiếm 14,6%). Hầu hết các hộ vay vốn đều tạo được việc làm, có thu nhập bình quân từ 2 - 5 triệu đồng/người/tháng, góp phần tạo mở việc làm, sản xuất ổn định, từng bước phát triển thu nhập và đời sống của người dân được cải thiện.
Nhưng trên thực tế, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm còn ít so với nhu cầu vay vốn người dân, nhất là các hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, người dân ở các xã biên giới, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Công tác giải quyết vay vốn mới tập trung ở các hộ và nhóm hộ gia đình; số cơ sở sản xuất kinh doanh được vay vốn còn hạn chế, chưa mở rộng tới doanh nghiệp, hợp tác xã; chưa tạo nhiều việc làm ổn định cho người lao động, mức cho vay thấp. Theo ông Hà Đức Minh, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lào Cai, Ban Bí thư TW Đoàn đã có công văn yêu cầu tập trung ưu tiên cho đoàn viên vay vốn cho hoạt động các cơ sở sản xuất kinh doanh, dần thu hồi vốn của các hộ, nhóm hộ gia đình vay nhỏ lẻ. Song, thủ tục hồ sơ vay vốn còn phức tạp, dẫn đến các cơ sở kinh doanh ngại tiếp cận nguồn vốn này.