Phát triển bền vững Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là chủ đề cuộc hội thảo do VBSP và Tạp chí Ngân hàng tổ chức ngày 25/9, tại Hà Nội.
Tín dụng gắn với khuyến nông
Các đại biểu, chuyên gia về tài chính - ngân hàng đã đánh giá cao hoạt động của VBSP sau 11 năm thành lập và phát triển, đồng thời đóng góp những ý kiến để xây dựng VBSP phát triển bền vững.
Tổng Giám đốc VBSP Dương Quyết Thắng phát biểu tại hội thảo. |
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đánh giá: Thành công trong hoạt động của VBSP đã thể hiện ở nhiều mặt. Với sự chỉ đạo của Thống đốc kiêm Chủ tịch HĐQT, sự nỗ lực của ban điều hành và cán bộ nhân viên VBSP, ngân hàng đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước, bảo đảm an sinh xã hội. VBSP đã làm tốt việc phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị đoàn thể trong quá trình thực hiện như Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ để thực hiện sứ mệnh cho vay xóa đói, giảm nghèo.
VBSP cũng đã tạo lập được sự hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế trao đổi kinh nghiệm về hoạt động tín dụng ưu đãi. Hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần thúc đẩy các dịch vụ ngân hàng thương mại và dịch vụ tài chính nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn và giúp cho người dân ở những vùng này đã tiếp cận được dịch vụ tài chính. Một thành công nữa là tỷ lệ nợ quá hạn của VBSP rất thấp.
Theo báo cáo tại hội thảo, tính đến hết tháng 8/2014, doanh số cho vay của VBSP đạt 271.553 tỷ đồng, bình quân mỗi năm đạt trên 22.000 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt 153.701 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 126.349 tỷ đồng, tăng 117.718 tỷ đồng so với thời điểm nhận bàn giao; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 29,4%; với gần 7 triệu hộ còn dư nợ, tăng hơn 5 triệu khách hàng so với thời điểm thành lập. Dư nợ bình quân một khách hàng tăng từ 2,5 triệu đồng (năm 2003) tăng lên hơn 18 triệu đồng. Sau 11 năm đã có trên 24,8 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn tín dụng chính sách. Góp phần giúp trên 3,2 triệu hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo. |
Để phát huy tốt hơn nữa vai trò của VBSP trong xóa đói giảm nghèo, vấn đề đặt ra là tạo lập nguồn vốn, nguồn nhân lực, cơ chế phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội của VBSP. Nếu giải quyết tốt các vấn đề đó thì VBSP sẽ góp phần tích cực hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ông Hà Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, mô hình hoạt động cho vay vốn ưu đãi hiệu quả như VBSP có lẽ chỉ có ở Việt Nam. Mạng lưới của VBSP trải rộng đến tận các xã vùng sâu, vùng xa, hải đảo nơi trình độ dân trí của người dân còn thấp. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng ưu đãi còn hạn chế là chưa thực sự gắn liền với công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn vay. Các cơ quan của Nhà nước chưa phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng trong việc cung cấp các loại hình dịch vụ có tính chất hỗ trợ lẫn nhau như khuyến nông gắn với tín dụng.
Để khắc phục những khó khăn còn tồn tại, nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng ưu đãi hơn nữa, một số đại biểu cho rằng, VBSP cần tham gia tích cực vào việc đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành trong việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách tín dụng ưu đãi, nhất là các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Hà Hùng đề nghị: “Phải gắn kết giữa vốn vay của VBSP và vốn hỗ trợ của Chính phủ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa như chương trình 30a, chương trình 135 để tạo nguồn lực tổng hợp mang lại hiệu quả cao trong công tác xóa đói, giảm nghèo”.
Ở góc độ thực tiễn địa phương, ông Bùi Văn Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT VBSP Bắc Giang đề nghị, cần có chính sách cho vay ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân, DN đào tạo và thu hút lao động tại chỗ đối với các hộ thuộc diện hộ nghèo và đối tượng chính sách; kể cả các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn, trồng rừng, bao tiêu sản phẩm cho đối tượng hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn huyện nghèo, huyện miền núi. Từ đó khuyến khích các tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư vào các địa bàn khó khăn.
Cần chủ động nguồn vốn
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần phải có chính sách tạo lập và huy động nguồn vốn phù hợp để VBSP chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch cho vay.
TS Nguyễn Ngọc Thao, Chủ nhiệm Khoa Tài chính công, Học viện Tài chính đã khẳng định mô hình hoạt động của VBSP đã cho thấy sự hiệu quả cả ở góc độ xã hội lẫn quản lý tài chính công. Ông cũng cho rằng sự, cần thiết phải có những đề xuất cụ thể, đề án chi tiết về nguồn vốn, mở rộng đối tượng cho vay, bảo đảm hoạt động lâu dài, phù hợp nhằm phát triển bền vững cho VBSP. “Chính phủ cần tăng cường bố trí nguồn vốn với quy mô lớn hơn nữa để cho vay, tập trung các chương trình, dự án có tính chất an sinh xã hội từ nguồn ngân sách Nhà nước”. - ông Thao đề xuất và cho biết, hiện nay có một số chương trình, dự án đầu tư vốn từ ngân sách Nhà nước không có tính chất hoàn lại, bố trí qua Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... cần được giảm thiểu, các chương trình, dự án này, chuyển qua VBSP cho vay tín dụng ưu đãi, có thể lãi suất thấp hơn, thời gian dài hơn, cơ chế xử lý rủi ro linh hoạt hơn... Nếu làm được như vậy sẽ có hiệu quả hơn.
TS Kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, dư nợ sau 11 năm tăng 18 lần, cho vay nông dân nợ xấu đã thấp nhưng cho vay qua VBSP nợ xấu còn thấp hơn, chỉ dưới 1%, điều này đã nói lên hiệu quả của tín dụng ưu đãi. Theo TS Nguyễn Minh Phong, bên cạnh việc cần sự tăng vốn, tăng tự chủ tài chính cho VBSP, ngân hàng này cũng cần phải nghiên cứu đa dạng các sản phẩm dịch vụ. Có thể, ngoài phương thức trực tiếp cho vay, cần ưu tiên cho vay phục vụ tái cơ cấu theo các chuỗi cung ứng sản xuất các nhóm, ngành, sản phẩm chủ lực liên kết giữa hộ gia đình - DN và các đoàn thể địa phương, đặc biệt là các chương trình tín dụng ưu đãi ủy thác qua “kênh” 4 hội, đoàn thể.
Quang Ngọc