Chiếc khăn piêu là phần không thể thiếu để làm tăng vẻ đẹp của người con gái Thái bên cạnh áo cóm với hàng cúc bướm trắng bó sát người, dải lụa xanh thắt ngang eo, bên hông đeo một chùm xà tích bạc...
Thước đo tài năng
Học thêu khăn piêu với các cô gái Thái là một quá trình rèn luyện đôi bàn tay khéo léo của mình để chuẩn bị bước vào đời. Lúc đầu các cô gái chỉ thêu được những đường thẳng hoặc những hoa văn đơn giản, dần dần tiến tới biết xử lý bố cục, biết xử lý màu sắc ở nhiều hoa văn trong những bố cục phức tạp. Việc học dệt vải và học thêu khăn piêu là bài học phổ thông, tất yếu của mọi thành viên nữ trong nếp sống của cộng đồng dân tộc Thái, bởi vậy khăn piêu còn là một tiêu chuẩn xã hội để đánh giá một phụ nữ.
Ngay từ lúc nhỏ, con gái Thái đã được mẹ dạy cách thêu thùa, khâu vá, dệt vải và làm khăn piêu. Lên 15, 16, công việc này đã trở nên thành thạo và cũng từ lúc này, các cô gái phải chuẩn bị thật nhiều khăn piêu để đi lấy chồng. Dù không được học qua một trường lớp nào về tạo hình, phối màu, nhưng trên chiếc khăn piêu của phụ nữ Thái, có thể dễ dàng nhận thấy những họa tiết và màu sắc rất hài hòa, đẹp mắt.
Người Thái làm khăn piêu từ loại vải bông tự dệt. Miếng vải để làm khăn piêu được nhuộm chàm và nổi bật trên nền chàm đó là những họa tiết, hoa văn đa sắc màu.
Khăn piêu được tạo ra bằng cách thêu luồn chỉ màu đan trên mặt vải. Những sợi chỉ đủ màu sắc được phối màu với nhau một cách rất hài hòa. Mỗi chiếc khăn piêu có một nét đặc sắc riêng. Điều đáng nói là tất cả các công đoạn làm khăn piêu đều được làm thủ công. Kể cả những mảnh vải để thêu thành chiếc khăn piêu cũng do bàn tay người phụ nữ Thái tự mình quay sợi và dệt nên.
Khi thêu xong là đến công đoạn trang trí. Trước khi thêu trang trí ở hai đầu khăn, phụ nữ Thái ghép mảnh vải đỏ làm viền. Viền này vừa bọc cho sợi ở các đầu khăn không bị xổ ra, vừa giới hạn diện tích trang trí. Phần trang trí chủ yếu tập trung ở hai đầu khăn. Tiếp đó, người ta đính vào khăn những chùm cút piêu được làm từ một mảnh vải đỏ cắt thành từng miếng nhỏ rộng khoảng 1cm, bên trong bọc lõi chỉ rồi cuộn tròn lại. Cuộn vải tròn được khâu vắt thành một hình tròn rồi quấn dây vải lại theo hình trôn ốc, sau đó được quấn thêm các loại chỉ màu thành các múi trong hình tròn. Làm cút piêu rất cầu kỳ, phải những người thành thạo, tỷ mỉ mới làm được. Các cút sau khi làm xong được ghép lại rất khéo léo vào đầu khăn piêu. Thường thì phụ nữ Thái đội khăn piêu có cút chùm ba, nhưng khi tặng khăn cho người trên, người đáng kính thì họ tặng chiếc khăn piêu có cút chùm năm trở lên...
Để chuẩn bị cho đám cưới của mình, các cô gái Thái thường thêu thật nhiều khăn piêu để làm quà tặng cho gia đình bên chồng. Sự chăm chỉ và khéo léo của cô dâu thể hiện ở số lượng khăn cô mang về nhà chồng. Người Thái có thể chấp nhận người con dâu còn nhiều vụng về trong công việc gia đình nhưng không thể chấp nhận người con dâu không biết dệt thổ cẩm và làm khăn piêu.
Cầu nối tình yêu
Tro
Chiếc khăn piêu của những phụ nữ dân tộc Thái còn rất hữu ích trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Vì chất liệu của những chiếc khăn này chủ yếu bằng bông nên có thể giữ ấm vào mùa đông; thấm mồ hôi, giữ mát vào mùa hè. Không chỉ che nắng cho các bà các chị trong những buổi làm nương rẫy hay những buổi đi chơi, khăn piêu còn giúp chống lại cái rét thấu xương của cái lạnh khắc nghiệt vùng núi rừng Tây Bắc. Nhiều bà mẹ còn dùng khăn piêu thay cho chiếc địu để địu con đi chơi. |
ng đời sống tình cảm của người Thái, những đôi trai gái yêu nhau còn nhờ chiếc khăn piêu nói hộ lòng mình. Vào các dịp lễ hội, khi đã “chấm” cô gái nào, các chàng trai thường tìm cách cướp khăn piêu, tất nhiên các cô gái ấy phải ngầm đồng ý. Còn khi muốn bày tỏ tình yêu, các cô gái sẽ tìm mọi lý do như để quên, để rơi, thậm chí tung khăn piêu về phía các chàng trai, làm mọi cách để khăn piêu thuộc về người ấy. Khi phải xa nhau, các cô gái thường tặng người yêu chiếc khăn piêu đẹp nhất. Chiếc khăn piêu trở thành cầu nối tình yêu giữa đôi nam nữ. Đối với chàng trai,chiếc khăn piêu ghi dấu tài hoa, chỉ cần ngắm chiếc khăn là cảm nhận được hơi ấm bàn tay người mình yêu. Chuyện tình yêu của trai gái Thái thật mãnh liệt, sâu sắc và cũng chân thật, mộc mạc, đằm thắm qua chiếc khăn piêu.
Khăn piêu của phụ nữ Thái không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn mang tính xã hội, góp phần tạo nên một nét đẹp, một sắc thái riêng, hấp dẫn về trang phục truyền thống của dân tộc Thái. Trong những vòng xòe lớn nhỏ, chiếc khăn piêu rực rỡ càng khiến thiếu nữ Thái thêm duyên dáng, vòng xòe càng thêm say.
Thái An