Ngày 27/7, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon cùng một số nhà lãnh đạo
phương Tây đã hối thúc chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad ngừng tấn
công Aleppo,
miền bắc
Syria (Xyri),
trong bối cảnh có thông tin quân chính phủ sẽ mở một cuộc tấn công tổng lực
nhằm vào lực lượng phiến quân tại thành phố này.
Lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc xung đột ở al-Qadam thuộc Damascus ngày 25/7. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong chuyến thăm thủ đô London (Luân Đôn) của Anh tham dự Đại hội thể thao
Olympic 2012, ông Ban Ki-moon đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng bạo lực
leo thang tại Aleppo. Ngoại trưởng Anh William Hague cho rằng các cuộc tấn công
tại Aleppo "có thể gây ra một thảm họa nhân đạo".
Cùng
ngày, Nhà Trắng cũng lên tiếng thể hiện quan ngại về các cuộc tấn công trên.
Theo các nguồn tin mới nhất, Chính phủ Syria đã triển khai nhiều đơn vị quân
đội đặc nhiệm tới sườn phía đông Aleppo, trong khi các phi đội trực thăng chiến
đấu được điều tới khu vực phía nam và tây nam thành phố này nhằm sẵn sàng ứng
chiến trong cuộc tổng phản công dự kiến diễn ra ngày 27 hoặc 28/7.
Để
đối phó với kế hoạch tổng phản công của quân đội, phe đối lập cũng đang đẩy
mạnh các phương án phòng thủ, chất các bao cát quanh các vị trí chiến đấu và
lập cơ sở y tế dã chiến tại các trường học hoặc đền thờ của người Hồi giáo.
Giới phân tích nhận định, trận chiến ở Aleppo có ý nghĩa hết sức quan trọng đối
với cả hai phe ở Syria. Với chính quyền của Tổng thống Assad, đây là thành phố
thương mại có đông đảo doanh nhân, lực lượng vẫn ủng hộ mạnh mẽ chính phủ.
Trong
khi đó, với phe chống đối, Aleppo là "chìa khóa" để chống khế miền bắc và giúp lực lượng
này "viết lại kịch bản" của thành phố Benghazi ở Libya
(Libi) trước đây.
Bởi
chiếm được Aleppo, phe đối lập sẽ thiết lập được một vùng đệm an toàn cho việc
tổ chức lại hàng ngũ, huấn luyện các tay súng và tiếp nhận vũ khí từ bên ngoài.
Trong khi đó, chiến sự vẫn tiếp diễn tại nhiều thành phố ở Syria. Đài truyền
hình nước này đưa tin một vụ nổ lớn đã xảy ra trong đêm 27/7 tại quận al-Khalidieh
của thành phố Homs, miền trung Syria, sau khi một nhóm "khủng bố có vũ
trang" chiếm giữ một tuyến phố trên địa bàn quận.
Các
vụ tấn công cũng đã xảy ra ở thị trấn Qusair thuộc Homs, thị trấn Maaret al-Numan ở tỉnh tây bắc Idlib, tỉnh Daraa
ở miền nam,
Deir al-Zour ở miền tây
và nhiều khu vực khác.
Các nhà hoạt động cho biết ít nhất 100 người đã thiệt mạng trong các cuộc xung
đột trên toàn lãnh thổ Syria trong ngày 27/7. Trong khi đó, Tổ chức Giám sát
Nhân quyền Syria ước tính con số thương
vong khoảng 70 người.
Lo
ngại tình hình an ninh ở Syria ngày càng xấu đi, ngày 27/7, Ba Lan thông báo đã
đóng cửa Đại sứ quán tại Syria và sơ tán toàn bộ nhân viên ngoại giao tại cơ
quan đại diện này.
Do tình hình an ninh diễn biến theo chiều hướng phức tạp, nhiều nước đã đóng
cửa đại sứ quán tại Damascus (Đamát). Sau Mỹ, quốc gia đầu tiên đóng cửa cơ
quan đại diện ngoại giao tại Syria từ tháng 2/2012, đến tháng 3/2012, Canada (Canađa)
và một số nước châu Âu khác cũng đã quyết định đóng cửa đại sứ quán.
Trước
đó, các nước Arập như Qatar (Cata) đóng cửa sứ quán từ tháng 7/2011, Arập Xêút
và Bahrain (Baranh) cũng đưa ra quyết định tương tự trong năm nay.
TTXVN/Tin tức