Chiến thắng ít ngọt ngào

Sau khi tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ngày 11/5 vừa qua, ông Nawaz Sharif, thủ lĩnh Liên đoàn Hồi giáo Pakixtan (PML-N), đã bắt tay chuẩn bị thành lập chính phủ mới ở Pakixtan. Thế nhưng, dường như chiến thắng đó không mấy ngọt ngào khi ông sẽ phải đối mặt với hàng loạt nhiệm vụ vô cùng khó khăn là thành lập một liên minh cầm quyền và giải quyết những vấn đề hóc búa của đất nước.

Cựu Thủ tướng Nawaz Sharif vẫy chào những người ủng hộ mừng chiến thắng tại thành phố Lahore, Pakixtan ngày 11/5/2013. Ảnh: AFP-TTXVN


Ông Sharif - người từng bị thất sủng sau cuộc đảo chính quân sự năm 1999, bị bắt giam và sống lưu vong ở nước ngoài - sẽ giành lại chiếc ghế thủ tướng và là người đầu tiên trong lịch sử Pakixtan ba lần giữ chức vụ quan trọng này. Trong bối cảnh làn sóng bất bình của người dân đối với chính phủ của Đảng Nhân dân Pakixtan (PPP) ngày càng gia tăng, với khẩu hiệu “Nền kinh tế mạnh - Pakixtan mạnh”, ông Sharif đã nổi lên thành nhân vật được nhiều cử tri đặt niềm tin và hy vọng, hơn cả ngôi sao crickê Imran Khan - người cũng tập hợp được sự ủng hộ của đông đảo cử tri, nhất là giới trẻ.


Từng hai lần làm thủ tướng trong những năm 90 của thế kỷ 20, đối với ông Sharif, việc đương đầu với môi trường chính trị vốn luôn khốc liệt tại Pakixtan là điều không mới. Ông sẽ phải tiếp quản đất nước trong tình trạng “hỗn độn” với nền kinh tế kiệt quệ, nạn tham nhũng tràn lan, làn sóng khủng bố gia tăng mạnh mẽ... Ông sẽ phải “vá” nhiều lỗ hổng trên “chiếc buồm” Pakixtan. Một trong những ưu tiên mà chính phủ mới cần giải quyết là phục hồi nền kinh tế. Trong hơn 5 năm qua, chính phủ của Tổng thống Asif Ali Zardari đã bị chỉ trích mạnh mẽ về khả năng điều hành kinh tế quá yếu kém. Pakixtan vẫn trong tình trạng tăng trưởng thấp, lạm phát cao, không tạo được việc làm cho hàng triệu người gia nhập thị trường lao động mỗi năm. Vấn đề lớn nhất mà chính phủ mới phải đối mặt là tình trạng thiếu điện nghiêm trọng - vốn được coi là nút thắt lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế của đất nước. Pakixtan liên tục rơi vào tình trạng bị cắt điện tới 20 giờ/ngày. Bên cạnh đó, Pakixtan cũng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán. Mặc dù quốc gia này đặt mục tiêu kiềm chế thâm hụt ngân sách ở mức khoảng 4,7% GDP trong năm tài chính hiện nay, song hầu hết các nhà phân tích cho rằng mức thâm hụt có thể sẽ cao hơn nhiều. Họ khuyến cáo tân chính phủ có thể phải viện tới gói cứu trợ hàng tỷ USD của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).


Ngoài những thách thức về kinh tế, Pakixtan còn phải đối mặt với thách thức từ lực lượng Taliban và chủ nghĩa cực đoan ngày càng gia tăng. Nhiều vụ đánh bom đã xảy ra trong ngày bầu cử. Kể từ tháng 4 đến nay, lực lượng Taliban có mối quan hệ gần gũi với Al-Qaeda đã sát hại hơn 125 người trong các vụ bạo lực. Trước tình hình trên, ông Sharif đã công khai kêu gọi đối thoại với Taliban, coi đây là biện pháp chấm dứt tình trạng nổi loạn kéo dài gần 7 năm qua tại quốc gia Nam Á này mặc dù người đứng đầu quân đội hiện nay ủng hộ mạnh mẽ việc sử dụng các biện pháp quân sự. Một khó khăn nữa mà chính phủ mới của Pakixtan phải đối mặt là giải quyết thỏa đáng mối quan hệ phức tạp với các nước láng giềng và Mỹ. Tất cả những vấn đề này cần giải quyết một cách thận trọng và có thời gian.


Với kết quả không có đảng đơn lẻ nào giành được đa số 172 ghế quốc hội, PML-N sẽ phải bắt tay với các đảng khác để thành lập chính phủ liên minh. Nhiều khả năng PML-N sẽ phải hợp tác với các cựu đối thủ từ chính phủ sắp mãn nhiệm. Nhà phân tích Hasan Askari cho rằng việc thành lập một chính phủ mạnh sẽ khó khăn hơn nhiều so với việc thành lập một lực lượng đối lập mạnh. Điều quan trọng là ông Sharif phải giải quyết vấn đề chủ nghĩa khủng bố và nhiều vấn đề khác đang khiến nền kinh tế Pakixtan trì trệ. Nếu nhà lãnh đạo này không thể hành động nhanh và khéo léo thì ông ấy sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới và nhiều sự chỉ trích. Rất có thể quân đội sẽ quay trở lại can thiệp vào chính trường nếu chính phủ mới tỏ ra kém cỏi và không kiểm soát được nạn tham nhũng tràn lan. Liệu PML-N và ông Sharif có mang lại sự thay đổi mà cử tri Pakixtan mong đợi hay không? Câu trả lời vẫn còn để ngỏ.


Minh Lý(P/v TTXVN tại Ấn Độ)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN