Kết quả kiểm nghiệm tại trường ĐH Dược thuộc ĐH Công giáo Daegu Hàn Quốc, nano curcumin từ củ nghệ vàng vùng núi Bắc Kạn (do Trung tâm hợp tác và chuyển giao trí thức (ĐH Quốc gia Hà Nội) và nhóm nghiên cứu Bắc Kạn phối hợp thực hiện), đạt hàm lượng 95% tinh khiết, chỉ còn 5% những chất khác và đều là những chất không có hại.
Đặc biệt, việc chiết xuất ra nano curcumin hoàn toàn sử dụng máy móc do các nhà nghiên cứu Việt Nam tạo ra, trên cơ sở kế thừa những dụng cụ truyền thống (mà ở đây là thuyền tán của các lang y xưa), vì vậy giá thành rất rẻ. Điều này đồng nghĩa với việc, cơ hội cho đồng bào dân tộc tỉnh Bắc Kạn trồng và tiêu thụ nghệ nếp vàng đã được mở ra. Và điều này cũng đồng nghĩa với việc, cơ hội chữa rất nhiều căn bệnh mãn tính như dạ dày, đại tràng, mỡ máu, gan nhiễm mỡ… thậm chí là tiêu diệt tế bào ung thư cũng được “rộng mở”.
TS Trịnh Thanh Lâm giới thiệu về BKA Cumin |
Theo TS Trịnh Thanh Lâm, giám đốc Trung tâm hợp tác và chuyển giao trí thức (ĐH Quốc gia Hà Nội), nghệ được trồng ở nhiều địa phương của Việt Nam, từ Nghệ An, Đồng Nai (dưới tán cây cao su), tới Hưng Yên, Vĩnh Phúc… Thậm chí trong đó, Nghệ An là một địa phương rất nổi tiếng với việc trồng nghệ và sản xuất bột nghệ bán cho tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu. Nhưng dự án về việc chiết xuất nano curcumin từ nghệ lại xuất phát từ Bắc Kạn, nơi có giống nghệ nếp vàng khá nổi tiếng, do đồng bào dân tộc trồng.
Dây chuyền 100% thuần Việt |
Việc trồng nghệ nếp thật ra không khó. Cây nghệ không bị sâu bệnh, cũng không cần chăm bón gì. Chỉ cần có giống nghệ và trồng trong các vùng núi là có thu hoạch. Thế nhưng, do thị trường tiêu thụ không lớn, nên giá nghệ vùng Bắc Kạn rất thấp, đồng bào vì thế cũng không hào hứng trồng nghệ nếp vàng.
“Trong khi đó, trên thế giới có rất nhiều nước không trồng được nghệ nhưng lại tiêu thụ một lượng nghệ rất lớn (ví dụ như Ấn Độ để làm bột cà ri). Nghiên cứu của nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới còn cho thấy, curcumin (là thành phần chính của curcuminoit – một chất quý hiếm chỉ có trong củ nghệ- PV) có tác dụng chống viêm, chống ô xi hóa, thậm chí là có thể chữa được những tế bào ung thư mà không làm ảnh hưởng tới những tế bào khỏe mạnh. Đặc biệt, curcumin rất an toàn và không có tác dụng phụ, có thể uống tới 8g/ngày mà vẫn an toàn”, TS Trịnh Thanh Lâm chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng theo TS Trịnh Thanh Lâm, dù có nhiều công dụng chữa bệnh, nhưng curcumin thông thường có nhược điểm khó tan trong nước, khó hấp thụ. Hay như Thày thuốc nhân dân- PGS TS Chu Quốc Trường, nguyên giám đốc bệnh viện Y học cổ truyền TƯ chia sẻ, thì curcumin nhanh bị “đào thải” ra ngoài. PGS TS Chu Quốc Trường nhấn mạnh: Curcumin rất khó “ngấm” bởi ít tan trong nước, nhưng khi ngấm vào rồi thì lại nhanh bị đào thải, chính vì vậy sử dụng curcumin đơn thuần thì khá khó khăn.
Cùng với đó, như TS Trịnh Thanh Lâm và nhiều nhà khoa học chia sẻ, curcumin nếu chưa được tinh chế thì chứa lipit vàng độc hại cho gan và một số tạp chất có hại khác… Chính vì vậy, các nhà khoa học đã quyết định chiết xuất tinh chất curcumin (nano curcumin) đã được loại bỏ các chất độc hại nói trên, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dùng.
Không đâu xa, chính chiếc thuyền tán của các lang y xưa đã được nhóm nghiên cứu Bắc Kạn sử dụng, cải tiến thành máy tinh chế curcumin thành nano curcumin, và điều đáng nói là sản phẩm này đã được kiểm nghiệm, đảm bảo tới 95% tinh khiết; rất an toàn cho người sử dụng. Đặc biệt, như kết quả kiểm nghiệm tại ĐH Dược thuộc ĐH Công giáo Daegu Hàn Quốc, thì trong nano curcumin của nhóm nghiên cứu, các hoại chất có lợi , hỗ trợ cho việc bảo vệ sức khỏe là curcumin B và curcumin C có hàm lượng cao. Đây là điều khác biệt so với mẫu nano curcumin của nhiều quốc gia khác mà đã được kiểm nghiệm. “Điều này rất quan trọng bởi trong quá trình chiết xuất, việc giữ được curcumin B và curcumin C là khá khó khăn. Việc hàm lượng tinh khiết lên tới 95% của sản phẩm curcumin Bắc Kạn này có thể là do giải pháp công nghệ và đặc biệt thổ nhưỡng của vùng phía Bắc nước ta rất phù hợp với việc trồng nghệ vàng chứa curcumin hàm lượng cao”, TS Nguyễn Phi Hùng, chuyên gia hóa dược và hợp chất thiên nhiên (ĐH Dược thuộc ĐH Công giáo Daegu Hàn Quốc), người trực tiếp kiểm nghiệm sản phẩm tại Hàn Quốc; chia sẻ.
Và như vậy, nano curcumin 95% tinh khiết và 100% thuần Việt đã ra đời, thành công; mở ra cơ hội cho việc trồng nghệ ở Bắc Kạn, đồng thời trở thành một nguồn nghiên liệu quý để chế tạo các sản phẩm thực phẩm chức năng hỗ trợ tăng cường sức khỏe cho người bệnh. Nhóm nghiên cứu đã quyết định đặt tên sản phẩm là BKA Cumin (BKA là tên gọi tắt của tỉnh Bắc Kạn) và cũng đã quyết định sẽ chuyển giao công nghệ cho các cơ sở sản xuất, nhằm nhân rộng việc chiết xuất nano curcuim phục vụ việc chữa bệnh trong nước cũng như xuất khẩu.
Từ ý tưởng của một nhóm nghiên cứu, giờ đây cơ hội cho việc ứng dụng khoa học công nghệ trong việc sản xuất dược liệu của Việt Nam đã mở ra. Điều đáng nói, với một giá thành siêu rẻ, trong khi trên thế giới, như tiết lộ của một chuyên gia, giá thành các loại máy móc, thiết bị chiết xuất curcumin lên tới hàng triệu USD.
PV