Theo Thứ trưởng Nazal, APEC đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tự do thương mại trên thế giới. Chile là một quốc gia đi đầu trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực vì là một nước có nền kinh tế mở cửa rất rộng và đã ký kết rất nhiều hiệp định tự do thương mại với các nước, đặc biệt tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Vì vậy, bà nhấn mạnh Chile hết sức quan ngại về xu hướng gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ và tư tưởng chống toàn cầu hóa đã xuất hiện tại một vài nơi trên thế giới, bỏ qua những lợi ích của toàn cầu hóa.
Đối với một nền kinh tế như nền kinh tế Chile, lợi ích của mở cửa và hội nhập thương mại rất rõ ràng, và điều này được thể hiện qua các con số trao đổi thương mại của Chile với thế giới. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nazal bày tỏ tin tưởng rằng chính sách mở cửa thương mại cần có tính toàn diện và đảm bảo rằng mọi người dân đều được hưởng lợi ích, bên cạnh đó cần phải có chính sách công để hỗ trợ tất cả các ngành buộc phải đối diện với tự do hoá thương mại và đầu tư.
Thứ trưởng Nazal cho biết tại Hội nghị Cấp cao APEC 2017 tới đây, Chile mong muốn hội nghị sẽ phát đi một tín hiệu rõ ràng về cam kết của APEC đối với tự do thương mại và hội nhập khu vực. APEC phải tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy cam kết này, tiến hành các bước cụ thể để triển khai Khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).
Với Hội nghị Cấp cao APEC, Chile hy vọng về một sự hỗ trợ chính trị mạnh mẽ cho hệ thống thương mại đa biên, hướng tới Hội nghị Bộ trưởng Thương mại lần thứ 11 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ diễn ra vào tháng 12 tới tại Buenos Aires (Argentina).
Đánh giá về khả năng 11 nước tham gia ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đạt được một thỏa thuận tự do thương mại mới trên cơ sở những điều khoản đã đạt được trong văn bản gốc của TPP sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi, Thứ trưởng Nazal cho rằng đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để khẳng định cam kết tự do thương mại của các nước cũng như tiến tới các nguyên tắc và tiêu chuẩn hiện đại trong quá trình hội nhập của châu Á-Thái Bình Dương. Bà bày tỏ hy vọng rằng lãnh đạo các nước tham gia ký kết TPP sẽ có thể công bố những thỏa thuận đáng kể đã đạt được trong chủ đề này tại Hội nghị Cấp cao APEC ở Việt Nam.
Thứ trưởng Ngoại giao Chile Nazal đánh giá Hội nghị Cấp cao APEC tại Đà Nẵng là cơ hội tốt nhất để Chile tiếp tục tăng cường quan hệ chính trị, văn hóa và thương mại với khu vực năng động nhất hiện nay trên thế giới. APEC là một cơ chế được ưu tiên để đưa ra những ý tưởng mới góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân các nền kinh tế thành viên.
Trên cơ sở đó, Chile hy vọng rằng đối thoại giữa các các nhà lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương sẽ hướng tới chủ đề như tăng trưởng bền vững, những thách thức trong Kỷ nguyên số, hội nhập doanh nghiệp vừa và nhỏ, vai trò của phụ nữ trong thương mại (đây là điều mà chính phủ Chile có sự quan tâm đặc biệt), cũng như tăng cường cải cách cơ cấu phục vụ phát triển kinh tế, và tổng thể đó là việc thúc đẩy hội nhập châu Á-Thái Bình Dương.
Ngoài ra, việc thảo luận về tầm nhìn của APEC sau 2020 cũng quan trọng nhằm đổi mới cam kết của Chile đối với sự phát triển của tiến trình toàn cầu hóa một cách mạnh mẽ hơn, nơi các lợi ích của tự do thương mại có thể được chia sẻ rộng rãi hơn nữa. Bà bày tỏ tin tưởng rằng để đảm bảo thành công của APEC trong những thập kỷ tới, các nền kinh tế thành viên cần củng cố những kết quả đã đạt được và tiếp tục giải quyết những vấn đề còn tồn đọng một cách chiến lược, thực tế và khả thi.
Về quan hệ song phương, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tới đây của Tổng thống Michelle Bachelet, hai bên sẽ thảo luận những vấn đề liên quan tới quan hệ hợp tác, tiến triển trong đàm phán Hiệp định tự do thương mại (FTA) giữa hai nước và triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Chile.
Thứ trưởng Nazal khẳng định Chile đang tích cực đề xuất những chủ đề và chuẩn bị công tác hậu cần cho APEC 2019, cơ hội để nước này giới thiệu nền văn hóa đa dạng và phong cảnh đất nước, con người tới tất cả các nền kinh tế thành viên của APEC, cũng như cơ hội để bàn thảo về những khả năng có thể triển khai.
Trên cơ sở đó, Chile đang theo sát những kết quả và đề xuất chủ đạo mà phía Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy trong năm APEC 2017 này, qua đó xác định những ưu tiên cần phải theo đuổi trong APEC 2019. Chile cũng đang phối hợp với các nền kinh tế thành viên khác nhằm lựa chọn những chủ đề có thể góp phần thực thi những mục tiêu của APEC một cách toàn diện và triển khai các chương trình nghị sự.
Ngoài ra, quan chức ngoại giao Chile nhấn mạnh nước này muốn thúc đẩy trong năm APEC 2019 những chủ đề mà Việt Nam đề xuất liên quan tới phát triển hướng tới giai đoạn sau năm 2020, thời điểm được đề ra để hoàn thành thực hiện Mục tiêu Bogor, kim chỉ nam mà APEC đã theo đuổi trong gần 30 năm qua.
Chile tin tưởng rằng xác định hướng đi cho APEC trong tương lai cần được triển khai trong một quá trình tổng thể với sự tham gia của các nền kinh tế thành viên, đặc biệt là những thành viên chủ chốt, góp phần giữ vững vai trò chủ đạo của APEC khi đề cập tới những xu hướng mới hay những vấn đề mới nổi trong thương mại quốc tế.