Chính trường Ai Cập gia tăng căng thẳng

Chính trường Ai Cập đang vô cùng căng thẳng do sự chia rẽ giữa các đảng phái chính trị ở nước này liên quan đến bản tuyên bố hiến pháp vừa được Tổng thống Mohamed Morsi ban hành hôm 22/11.


 

Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình tại quảng trường Tahrir, Ai Cập, ngày 25/11/2012. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Ngày 25/11, Tổ chức Anh em Hồi giáo tại Ai Cập đã kêu gọi tiến hành biểu tình lớn tại thủ đô Cairô và trên toàn quốc vào ngày 27/11 tới nhằm ủng hộ bản tuyên bố hiến pháp mới. Tuyên bố đăng trên trang web chính thức của tổ chức này cho biết, địa điểm chính của cuộc biểu tình sẽ diễn ra tại quảng trường Abdeen ở Cairô, chứ không phải tại quảng trường Tahrir, nơi đang diễn ra các cuộc biểu tình rầm rộ chống Tổng thống Morsi. Tổ chức Anh em Hồi giáo cho rằng tuyên bố hiến pháp của Tổng thống Morsi là một “quyết định mang tính cách mạng” và đáp ứng “nguyện vọng của nhân dân”.


Trong khi đó, Hội đồng Tư pháp tối cao Ai Cập ngày 24/11 cho rằng tuyên bố hiến pháp mới của Tổng thống Morsi là một “đòn tấn công chưa từng có” vào tính độc lập và các phán quyết của hệ thống tư pháp. Hội đồng này cũng yêu cầu Tổng thống Morsi không để tuyên bố hiến pháp đụng chạm đến quyền lực tư pháp hay can thiệp vào những vấn đề thuộc hệ thống này. Trong khi đó, câu lạc bộ Thẩm phán Ai Cập đã kêu gọi tất cả các thành viên câu lạc bộ, nhân viên tòa án và các cơ quan công tố trên toàn quốc đình công từ ngày 24/11. Tòa án này cho biết đã nhận được 13 đơn kiện của các cá nhân và tập thể đòi hủy bỏ sắc lệnh của Tổng thống Morsi, cho rằng cần đưa bản hiến pháp ra trưng cầu dân ý dưới giám sát của các cơ quan tư pháp.


Tình hình Ai Cập đã đột ngột trở nên căng thẳng sau khi Tổng thống Morsi ngày 22/11 đã ban hành tuyên bố hiến pháp mới quy định các cơ quan tư pháp không có quyền giải tán Hội đồng Lập hiến hoặc Hội đồng Shura (Thượng viện), đồng thời không có quyền phủ quyết, bãi bỏ hoặc sửa đổi bất cứ điều luật, tuyên bố hay sắc lệnh nào do tổng thống ban hành kể từ khi ông nhậm chức ngày 30/6 cho đến khi hiến pháp mới được phê duyệt và quốc hội mới được bầu ra. Trong khi những người ủng hộ Tổng thống Morsi cho rằng động thái này sẽ giúp chấm dứt tình trạng hỗn loạn thì những người phản đối chỉ trích đây là hành động thâu tóm quyền lực, biến tổng thống trở thành nhà độc tài.


Các cuộc biểu tình đã lan rộng tại Ai Cập từ ngày 23/11, từ thủ đô cho tới các tỉnh Alexandria, Suez, Ismaelia và biến thành bạo lực do đụng độ giữa những người ủng hộ và phản đối tuyên bố hiến pháp của Tổng thống Morsi. Hãng Tân Hoa xã dẫn nguồn tin y tế Ai Cập cho biết, riêng các cuộc đụng độ tại quảng trường Tahrir giữa người biểu tình và cảnh sát đến thời điểm này đã làm khoảng 227 người bị thương. Trong khi đó, hãng MENA (Ai Cập) dẫn nguồn tin an ninh nói rằng 128 cảnh sát đã bị thương do xô xát với đám đông người biểu tình quá khích tại Tahrir. Một số văn phòng của Tổ chức Anh em Hồi giáo đã bị đốt cháy trong những cuộc biểu tình này.


Nhật báo Almasry Alyoum của Ai Cập nhận định, các cuộc biểu tình này có thể làm trầm trọng thêm những bất đồng chính trị và tình trạng bất ổn hiện nay trong bối cảnh nhiều đảng thế tục và tự do đối lập cũng đã kêu gọi những người ủng hộ tổ chức biểu tình và tuần hành tại quảng trường Tahrir nhằm buộc Tổng thống Morsi phải loại bỏ bản hiến pháp mới mà họ cho là “vi hiến” và “phớt lờ lợi ích của công chúng”.


Các chuyên gia kinh tế và giới đầu tư cảnh báo tình hình bất ổn chính trị hiện nay có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Ai Cập, cho rằng nền kinh tế mong manh của nước này sẽ không đủ sức chịu đựng những hậu quả của các cuộc biểu tình và các sự kiện gần đây.


Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Ai Cập) - Hải Hạnh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN