Chợ phiên Bảo Lạc ngày xuân

Bảo Lạc là huyện vùng cao của tỉnh Cao Bằng, nằm bên dòng sông Gâm, sông Neo thơ mộng. Ở Bảo Lạc nhịp thời gian được tính bằng những phiên chợ, cứ 5 ngày một phiên (ngày 5, 10, 15,...). Chợ phiên ở thị trấn Bảo Lạc là hình ảnh thu nhỏ về đời sống cộng đồng của đồng bào các dân tộc nơi đây, tạo nên nét văn hóa đặc sắc, làm say đắm lòng người.


Mua sắm những mặt hàng thiết yếu chuẩn bị đón Tết.

Chợ nằm ở trung tâm thị trấn, một bên là bờ sông Gâm, một bên là dãy nhà nhỏ dựa vào vách núi. Từ khi mặt trời chưa nhô lên, những lớp sương mờ còn quấn quýt quanh sườn núi, từng tốp người đã kéo nhau về họp chợ. Ngoài việc trao đổi mua bán những sản vật giản dị và mộc mạc như bó rau rừng…, chợ còn là dịp để phụ nữ Mông, Dao, Lô Lô… diện những bộ váy với đủ màu sắc. Khi mặt trời vừa nhô qua đỉnh núi, những chiếc váy trở nên rực rỡ, lóng lánh khiến chị em càng thêm xinh đẹp.


Gừng đá - một loại gừng để cho vào lạp xưởng, đặc sản của Cao Bằng.


Đến chợ phiên Bảo Lạc vào những ngày giáp Tết, cả khu phố bỗng chốc trở nên chật chội bởi những dãy hàng thẳng tắp chỉ chừa lối đi. Hàng hóa là những mớ rau rừng còn đậm hương vị của núi rừng, gà thả vườn, cá sông. Những củ măng, củ ấu, củ gừng, gùi ngô, bí, những chai mật ong vàng óng được đựng trong giỏ đầy hấp dẫn. Ở một góc chợ, những gánh củi còn ướt đẫm sương đêm chờ người mua.


Bày bán lá dong gói bánh Tết.

Chợ mỗi lúc một náo nhiệt. Kẻ mua, người bán chen nhau mua lá dong, gạo làm bánh, giang làm lạt. Hàng Tết bày đủ loại, từ hoa quả như quýt, cam đến quần áo, tranh màu... Rực rỡ trong bộ váy xòe hoa, những thiếu nữ người Mông xúng xính cầm ô đợi bạn. Hòa cùng dòng người xuống chợ, những thiếu nữ dân tộc Lô Lô, Sán Chỉ trong trang phục đỏ, đen, vàng tạo nên một sắc màu văn hóa chợ phiên. Ăn mặc giản dị, những cô gái người Nùng, người Tày đầu quấn khăn mỏ quạ đon đả mời khách mua hàng tạp hóa, quần áo, vải, chỉ màu. Khác với thanh niên hẹn hò, mua sắm để làm đẹp, những phụ nữ vùng cao vào dịp này tranh thủ mua hàng nhu yếu phẩm như dầu hỏa, muối, mì chính, đường... đủ dùng trong những ngày Tết. Còn những người đàn ông lại lựa chọn nông cụ hay mang những chiếc thuổng cùn, lưỡi cày mẻ ra các lò rèn để sửa lại.


Một góc chợ bò.


Xuống chợ.


Phụ nữ chọn mua vải để về may quần áo mới.

Cuối chợ là nơi bán bò. Những con bò buộc dây bên bờ đá, bụi cây hơi thở phì phò phả hơi ẩm trong ánh nắng. Trước đây, bò được những người đi chợ dắt theo để chơi, bạn bè ngắm nghía, tán thưởng và làm thú vui uống rượu. Còn bây giờ, những chú bò săn chắc, nung núc thịt trở thành hàng hóa có giá trị. Người qua lại ngắm nghía, ngã giá vang cả góc chợ.


Khi những tia nắng cuối cùng trong ngày khuất dần sau đỉnh núi, gió xao xác thổi từ đầu chợ đến cuối chợ, khách chợ phiên lần lượt dìu dắt nhau về mái ấm trong tâm trạng vui vẻ của buổi đi chơi, của ngày thu nhập kha khá, trả lại sự yên tĩnh vốn có của phố núi. Hẹn gặp lại nhé, phiên chợ lần sau...


Bài và ảnh: Trọng Thủy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN