Liên hợp quốc đã công bố ngày 22/1/2014 là thời điểm tổ chức hội nghị hòa bình về Syria, còn được gọi là Geneva 2, nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần ba năm qua và lấy đi không biết bao nhiêu máu và nước mắt của người Syria.
Đàm phán hòa bình đầu tiên
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 25/11 nhận định: “Hội nghị Geneva 2 là phương tiện cho một cuộc chuyển giao hòa bình để mọi người dân Syria hoàn thành tâm nguyện hợp pháp là được tự do và tự tôn, đảm bảo mọi cộng đồng Syria đều được bảo vệ và an toàn”. Một mục tiêu chủ chốt của hội nghị là thuyết phục các bên đồng thuận để thành lập một chính phủ chuyển tiếp đầy đủ quyền lực với quân đội và cơ quan an ninh.
Đổ nát do xung đột tại thành phố Aleppo ngày 24/11. Ảnh:AFP/TTXVN |
Ông Ban Ki-moon bày tỏ mong muốn các đại diện của Syria sẽ đến Geneva (Thụy Sĩ) với ý định nghiêm túc chấm dứt xung đột và hiểu rõ mục tiêu của hội nghị. Mục tiêu này dựa trên lộ trình chuyển giao chính trị cho Syria mà Nga, Mỹ và các nước có liên quan đã thông qua tại hội nghị Geneva đầu tiên hồi tháng 6/2012. Hội nghị này mới chỉ nhất trí mục tiêu mà chưa thống nhất cách thực hiện. Một trong những điểm gây bất đồng lớn nhất là vai trò tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Tuy nhiên, Tổng thư ký Ban Ki-moon không hề đề cập tới danh sách tham dự Geneva 2. Đặc phái viên chung về Syria của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arab, ông Lakhdar Brahimi, cũng thừa nhận chưa chốt được danh sách này. Như vậy hiện vẫn chưa biết hai quốc gia quan trọng là Saudi Arabia - nước bảo trợ chính cho phe đối lập Syria, và Iran - đồng minh chủ chốt của chính phủ Syria có tham dự Geneva 2 hay không.
Nếu được tổ chức đúng ngày đã thông báo, đây sẽ là cuộc đàm phán hòa bình đầu tiên giữa chính phủ Syria và phe đối lập. Trong khi chính phủ Syria từ lâu đã đồng ý tham dự hội nghị Geneva 2 thì phe đối lập mới chỉ chấp nhận hồi đầu tháng 11/2013 và kèm theo một số điều kiện. Liên minh Dân tộc Syria của phe đối lập trước đó đã từ bỏ yêu sách đòi Tổng thống Assad từ chức trước hội nghị.
Gấp rút chuẩn bị
Sau khi chốt được ngày tổ chức, Nga và Mỹ đã dành toàn tâm toàn ý cho hội nghị Geneva 2. Hai bên đã phối hợp chặt chẽ với nhau để lên kế hoạch từ hồi tháng 5/2013. Ngoại trưởng Mỹ Kerry một mặt coi hội nghị là “cơ hội tốt nhất” để đưa Syria ra khỏi xung đột đẫm máu, một mặt thừa nhận có nhiều vật cản trên con đường tiến tới một giải pháp chính trị cho Syria.
Phía Nga cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Geneva 2 và cho biết dự định làm việc với chính quyền Syria và các lực lượng đối lập để lên danh sách thành viên tham dự, nhằm đảm bảo hiệu quả cho hội nghị sắp tới.
Trong khi đó, đặc phái viên Brahimi đang liên lạc với cả hai bên ở Syria để thúc giục họ chốt thành phần tham dự hội nghị mà ông coi là “cơ hội to lớn không thể bỏ phí”. Ông Brahimi hi vọng cả hai phe sẽ có tên đại biểu tham gia càng sớm càng tốt. Ngoài ra, ông kêu gọi các bên hạn chế xung đột ngay từ lúc này và rút dần khỏi cuộc chiến bằng những hành động cụ thể. Dự kiến, ông Brahimi sẽ tiếp tục gặp quan chức Nga và Mỹ vào ngày 20/12 tới để chuẩn bị cho Geneva 2.
Theo nhận định của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran vừa đạt được ở Geneva có thể hữu ích trong quá trình chuẩn bị cho Geneva 2 về vấn đề Syria. Hữu ích vì thỏa thuận này cho thấy đàm phán chính trị có thể thành công trong giải quyết những vấn đề gai góc trong khu vực. Sự thành công đột phá trong đàm phán với Iran có thể sẽ tạo đà để thế giới đồng thuận trong giải quyết xung đột ở Syria.
Hội nghị Geneva 2 có tầm quan trọng lớn trong việc chấm dứt cuộc xung đột khiến hơn 100.000 người chết, gần chín triệu người phải bỏ nhà cửa cùng với vô số người mất tích và bị bắt giam, gây ra mối đe dọa lớn nhất với hòa bình thế giới và khiến nhiều nước láng giềng Syria đau đầu với làn sóng tị nạn từ Syria.
Thùy Dương