* Lạng Sơn: UBND tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng virút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả việc biếu, cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa qua chế biến là biện pháp ưu tiên số một hiện nay, nhằm ngăn chặn virút xâm nhập vào trong nước; tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của chính quyền và các ban, ngành của địa phương về nguy cơ, tác hại đối với dịch cúm A/H7N9, nhằm thay đổi nhận thức của cư dân khu vực biên giới, không tiếp tay hoặc tham gia vào các hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm qua biên giới; kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.
Lực lượng thú y phun thuốc khử trùng tiêu độc tại điểm bán gia cầm chợ Giếng Vuông (TP Lạng Sơn). Ảnh: Thắng Trung-TTXVN |
Tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, phương tiện vận chuyển hàng hóa qua lại đường biên giới; không cho buôn bán, thu gom, tập kết, giết mổ gia cầm tại các khu vực đường biên và các khu kinh tế mở, nhằm tránh hiện tượng hợp thức hóa gia cầm, tạo thuận lợi cho việc kiểm soát; kiểm soát việc buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc tại các thị trường tiêu thụ gia cầm, đặc biệt tại các chợ buôn bán, giết mổ gia cầm.
*Đồng Nai: Ngày 7/3, UBND tỉnh Đồng Nai đã chính thức công bố dịch cúm gia cầm tại xã Mã Đà và thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu). Theo Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, tại 2 địa phương nói trên đã xảy ra tình trạng đàn vịt của 2 hộ gia đình bị chết hàng loạt. Sau khi nhận được tin báo, Chi cục Thú y phối hợp với địa phương khoanh vùng phun thuốc tiêu độc sát trùng các vùng đệm có nguy cơ cao.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã có Chỉ thị yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa, thủ trưởng các sở, ngành liên quan và nhân dân trong tỉnh khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho từng người dân về nguy cơ, tác hại của dịch cúm H5N1; giám sát chặt tình hình chăn nuôi, vận chuyển, buôn bán gia cầm trên địa bàn; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, xử lý dứt điểm, không để xảy ra tình trạng giết mổ lậu; tổ chức tiêu độc, khử trùng trên toàn bộ các khu vực công cộng…
*Cần Thơ: Từ ngày 26/2 đến nay, thành phố Cần Thơ có thêm 5 ổ dịch cúm gia cầm xuất hiện tại phường Thới An Đông (quận Bình Thủy), xã Thới Thạnh (huyện Thới Lai), Thới Xuân (huyện Cờ Đỏ). Như vậy, địa phương này hiện có 15 ổ dịch cúm gia cầm với tổng số gia cầm bị tiêu hủy trên 18.000 con.
Nhằm ngăn chặn dịch cúm gia cầm lan rộng, từ nay đến cuối tháng 3, ngành thú y Cần Thơ sẽ thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khẩn cấp. Theo đó, đối với hộ gia đình, người dân quét dọn sạch sẽ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm; thu gom phân rác, chất độn chuồng để đốt hoặc chôn lấp. Mỗi tuần định kỳ phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm và vùng phụ cận.
Đối với cơ sở ấp trứng gia cầm, thủy cầm, lực lượng chuyên trách kết hợp cùng chủ cơ sở phun thuốc tiêu độc, khử trùng toàn bộ diện tích cơ sở, các phương tiện ấp trứng, phương tiện vận chuyển trứng giống và gia cầm mới ấp nở. Khu vực giết mổ gia súc, gia cầm sẽ được khử trùng toàn bộ khu vực nhốt, giữ gia súc gia cầm trong khi chờ và sau khi được đưa đi giết mổ...
*Khánh Hòa: Chi cục Thú y Khánh Hòa cho biết, các địa phương trong tỉnh đang tích cực hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có gia cầm mắc bệnh buộc phải tiêu hủy, đồng thời tổ chức tiêm phòng kết hợp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trong vùng có dịch và vùng có nguy cơ cao. Ngoài kinh phí tỉnh cấp dành cho công tác phòng chống dịch, ngân sách cấp huyện chi hơn 2,4 tỷ đồng để hỗ trợ hộ chăn nuôi với số tiền 40.000 đồng/con, tiêu hủy gia cầm mắc bệnh; 540 triệu đồng trả tiền công tác phun 9.000 lít hóa chất…, Chi cục Thú y tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức tiêm 1 triệu liều vắcxin cho 1 triệu con gia cầm trong vùng có dịch và vùng có nguy cơ cao.
Hiện nay, vùng có dịch cúm gia cầm ở Khánh Hòa gồm 20 xã thuộc thị xã Ninh Hòa; các huyện Cam Lâm, Diên Khánh; vùng có nguy cơ cao là huyện Vạn Ninh, hai TP Cam Ranh và Nha Trang. Tính đến nay, các địa phương trong tỉnh đã tiêu hủy 40.000 con gia cầm mắc bệnh.
TTN