Gia tăng dịch bệnh
Mới vào đầu mùa hè, thời tiết thay đổi khiến trẻ em và người già dễ mắc bệnh. Vào trung tuần tháng 5, khi thời tiết bắt đầu nắng nóng, cháu Nguyễn Hà Khôi (Khu tập thể Bộ Giáo dục, Xuân La, Tây Hồ) mới 2 tuổi, cổ và gáy nổi mẩn mụn đỏ, đầu hâm hấp sốt vào buổi tối. Nghi nhiễm sởi, mẹ cháu Nguyễn Hà Khôi đưa đến bệnh viện Xanh Pôn nhưng được bác sĩ khám và kết luận bị sốt phát ban. Nguyên nhân do thời tiết chuyển mùa, trẻ em thích ứng kém. Bên cạnh kê thuốc điều trị, bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc trẻ và vệ sinh môi trường để chủ động phòng dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Văn Thường, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, thông thường năm nào trên địa bàn Hà Nội, các dịch bệnh mùa hè như tiêu chảy cấp, ngộ độc thức ăn, viêm hô hấp cấp, nhiễm siêu vi trùng, viêm não Nhật Bản, viêm màng não mủ, tiêu chảy cấp, thủy đậu cũng gia tăng, nhưng mùa hè năm nay chưa thấy đột biến, số bệnh nhân chưa tăng so với trước. Riêng bệnh thủy đậu và quai bị tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 4/2016, đã có khoảng 10 trẻ nhập viện vì hai bệnh thủy đậu và quai bị.
Hướng dẫn vệ sinh môi trường, phòng dịch mùa hè tại các trường học huyện Quốc Oai (Hà Nội). Ảnh: Sở Y tế Hà Nội |
Ông Thường lưu ý, người dân cần phòng tránh các bệnh mùa hè cho trẻ nhỏ, nhất là viêm đường hô hấp cấp gây ra do thời tiết oi bức khiến vi khuẩn, vi rút dễ sinh sôi, phát triển. Các bệnh viêm họng, viêm mũi, viêm amidan với các triệu chứng sốt, đau mỏi người, chảy nước mũi, nôn trớ, đau đầu dẫn đến bệnh nhân mệt mỏi. Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu viêm mũi, viêm họng, chảy nước mũi cần đưa trẻ đi khám sớm, kịp thời để phòng tránh biến chứng.
Trong mùa nắng nóng, ngoài các bệnh đường ruột, viêm hô hấp cấp, thì nhóm bệnh do nhiễm siêu vi trùng (virút) như sốt virút, sốt phát ban, thủy đậu, cũng có nguy cơ phát triển. Theo nghiên cứu có khoảng 200 loại virút dễ phát sinh bệnh mùa hè, hầu hết các bệnh đều lành tính, trừ bệnh thủy đậu, sốt xuất huyết.
“Để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình khám chữa bệnh, bệnh viện đã tổ chức khám bệnh sớm. Đồng thời, chủ động chuẩn bị thuốc, tập huấn cho cán bộ y tế để nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh”, Giám đốc bệnh viện đa khoa Ba Vì Nguyễn Quang Hùng, cho biết.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, thời gian tới, miền Bắc nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng sẽ có nhiều đợt nắng nóng kéo dài với nhiệt độ tăng cao. Để giảm thiểu tác hại do thời tiết nắng nóng đến sức khỏe người dân, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện trong và ngoài công lập tổ chức tập huấn cho nhân viên về các biện pháp cấp cứu, xử lý các trường hợp say nóng, say nắng và các bệnh thường gặp trong mùa nắng nóng; đồng thời chuẩn bị đầy đủ các phương tiện chống nóng cho người bệnh đến khám và điều trị tại bệnh viện như tăng cường quạt, bạt che, bảo đảm đủ nước uống, sinh hoạt và hướng dẫn chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh...
Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội và Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tổ chức tập huấn cho nhân viên các biện pháp xử lý, sơ cứu ban đầu các trường hợp say nóng, say nắng; phối hợp với Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tuyên truyền cho người dân về các nội dung phòng chống nắng nóng, hướng dẫn nhân dân vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh mùa hè. Bên cạnh đó, Trung tâm chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, cơ số thuốc phòng chống dịch bệnh mùa hè, xử lý triệt để, không để ổ dịch bùng phát trên địa bàn...
Sở Y tế cũng đề nghị Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Hà Nội phối hợp với các cơ quan truyền thông, các cơ sở khám chữa bệnh, Trung tâm Y tế tăng cường tuyên truyền cho người dân về các nội dung phòng, chống nắng nóng như: Chủ động thay đổi thời gian làm việc hợp lý, uống đủ nước, ăn các loại thực phẩm mát, tăng cường quạt tại nơi làm việc, nhất là những nơi đông người, hướng dẫn nhân dân vệ sinh môi trường, phòng, chống các dịch bệnh mùa hè…
Ông Nguyễn Văn Thường, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết: “Người dân cần thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch bệnh trong mùa hè như: Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; thức ăn phải chế biến và bảo quản đúng cách, không nên ăn thức ăn ôi thiu, môi trường sống phải thông thoáng, diệt quăng quăng, bọ gậy... Đối với những bệnh có vắcxin cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng độ tuổi”. |