Báo cáo do Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng trình bày cho thấy, sau hơn 13 năm hoạt động, với mạng lưới hoạt động trải rộng toàn quốc và tổ chức giao dịch trực tiếp tại gần 11.000 điểm giao dịch xã, Ngân hàng đã huy động được trên 152,5 nghìn tỷ đồng để cho vay với tổng dư nợ đến hết tháng 5/2016 đạt 147.819 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng cao. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,78%.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành cân đối ngân sách Trung ương cấp bổ sung vốn điều lệ, giao tăng chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2015 từ 6,5% lên 10%, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nhiều hơn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước. Đặc biệt, các địa phương đã quan tâm, cân đối, bố trí ngân sách địa phương để ủy thác cho NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay, đến nay đạt 5.594 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã đề xuất nhiều nội dung về cơ chế cho vay, huy động các nguồn vốn để bổ sung nguồn vốn vay, đánh giá mô hình quản trị và điều hành hoạt động của ngân hàng… Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, với việc thay đổi chuẩn nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều, nguồn vốn cho vay chính sách cần phải có điều chỉnh kịp thời. Tới đây, Hội đồng quản trị NHCSXH sẽ tiến hành đánh giá toàn diện chính sách tín dụng này trên địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ để rút kinh nghiệm, phát huy những điểm tích cực và xử lý các bất cập, hạn chế. Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ quan tâm bố trí từ khoản vay của các tổ chức quốc tế như WB, ADB để tăng vốn điều lệ theo lộ trình; chỉ đạo các địa phương bố trí vốn đối ứng, ủy thác; mở rộng diện cho vay đào tạo nghề cho con em hộ nghèo và nông dân; dòng vốn tín dụng của ngân hàng chính sách nên hướng vào đối tượng nhóm dân tộc thiểu số tại chỗ là nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ biểu dương NHCSXH thực hiện tốt chính sách tín dụng, đóng góp vào phát triển kinh tế, ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, người nghèo, đối tượng nông dân nông thôn. NHCSXH đã huy động các nguồn lực đáp ứng cơ bản các nhu cầu, nâng cao hiệu quả chính sách xã hội, huy động vốn, dư nợ tín dụng hiệu quả, nợ quá hạn thấp.
NHCSXH đã có nhiều sáng kiến đổi mới phương thức quản lý tín dụng ủy thác gắn với chính quyền cơ sở, chủ động tham mưu cho các bộ, ngành, Chính phủ tháo gỡ khó khăn về chính sách. Ngân hàng đã hình thành mô hình tổ chức quản trị đặc thù và hiệu quả đến tận xã, chân rết bám chắc tới cơ sở, xây dựng được bộ máy điều hành tác nghiệp khá gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả. “Đây là công cụ quan trọng của Đảng, Nhà nước nhằm chăm lo chính sách giảm nghèo bền vững, được Quốc hội đánh giá là điểm sáng trong thực hiện chính sách giảm nghèo” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cho rằng có được thành tích này, ngoài nỗ lực của lãnh đạo Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc, cán bộ, công chức toàn hệ thống, còn có vai trò của các bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, sự phối hợp có trách nhiệm của chính quyền các cấp.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới với vai trò là Ngân hàng của Chính phủ, Phó Thủ tướng đề nghị NHCSXH thực hiện hài hòa yếu tố Nhà nước và yếu tố thị trường trong hoạt động của Ngân hàng, trong đó yếu tố Nhà nước là chủ đạo. Ngân hàng cần tăng tính chủ động sáng tạo, phân cấp, phân quyền; cơ chế chính sách phải đảm bảo tự huy động được nguồn lực của cả xã hội, giảm bớt nguồn lực từ Nhà nước và không chỉ trông chờ vào Nhà nước. NHCSXH đổi mới hơn nữa tư duy, tăng yếu tố thị trường trong hoạt động; đồng thời rà soát lại các cơ chế chính sách, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Phó Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành nghiên cứu giải quyết những đề xuất của NHCSXH.
Trong hơn 13 năm qua, đã có hơn 28,8 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH, với tổng doanh số cho vay đạt trên 356 nghìn tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho trên 3,2 triệu lao động, trong đó trên 107 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 3,4 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Nguồn vốn này cũng đã giúp xây dựng trên 8,1 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; trên 7.500 căn nhà tránh lũ cho hộ nghèo tại các tỉnh miền Trung; trên 104.000 căn nhà vượt lũ cho cho hộ gia đình vùng đồng bằng sông Cửu Long và gần 484 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách chưa có nhà ở trên toàn quốc. |