Chùa Khmer Cao Dân, Di tích lịch sử văn hóa

Chùa Sareymenchey (chùa Cao Dân) tọa lạc tại ấp 7, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, có từ năm 1922 và được dời đến địa điểm hiện tại vào năm 1958. Ngôi chùa này được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh ngày 11/6/2007, là biểu tượng cho khối đại đoàn kết dân tộc.


Cơ sở cách mạng


Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Ban Quản trị cùng các chư tăng, phật tử chùa Cao Dân gắn bó mật thiết với cách mạng. Chùa Cao Dân là cơ sở bí mật của cách mạng; trong đó Hòa thượng Hữu Nhem, nguyên trụ trì chùa đã viên tịch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng khu Tây Nam bộ, tích cực vận động các nhà sư, Ban Quản trị các chùa và đông đảo đồng bào dân tộc Kinh - Hoa - Khmer ở địa phương tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Địch đã nhiều lần dội bom tàn phá ngôi chùa; nhiều chư tăng, phật tử đã anh dũng hy sinh. Ngày nay, tại chùa Cao Dân vẫn còn nhiều hố bom chưa san lấp, như chứng minh sự tàn phá của kẻ địch không thể làm lu mờ tinh thần quật khởi, yêu nước của phật tử, chư tăng.


Đại diện Ban chỉ đạo Tây Nam bộ thăm và chụp ảnh lưu niệm trước tháp thờ cố Hòa thượng Hữu Nhem.


“Địa chỉ đỏ” về giáo dục


Đất nước giải phóng, chùa Cao Dân trở thành điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là nơi hội họp của các ban ngành ở địa phương và là trường học từ cấp tiểu học đến trung học cơ sở. Từ mái trường này, nhiều cán bộ trí thức hiện giữ nhiều vai trò quan trọng trong các cấp Đảng, Nhà nước ở địa phương đã được đào tạo. Vào cuối năm 1995, chùa Cao Dân đã hiến trên 200 m2 đất xây dựng trường Phổ thông Dân tộc (PTDT) Hữu Nhem huyện Thới Bình.


Đến nay, trường PTDT Hữu Nhem đã có nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh, huyện. Thành tích trong công tác giảng dạy, phổ cập giáo dục này là kết quả sự phấn đấu vượt bậc của tập thể nhà trường, trong đó có sự phối hợp hỗ trợ các vị sư sãi, Ban Quản trị và Ban Hoằng pháp chùa Cao Dân. Thầy Trần Quốc Hải - Hiệu trưởng trường PTDT Hữu Nhem, cho biết: “Trung bình mỗi năm nhà trường đào tạo từ 50 - 70 em là học sinh dân tộc Khmer học xong THCS, chuyển hồ sơ đưa các em ra trường Dân tộc Nội trú tỉnh để tiếp tục học bậc Trung học phổ thông”.


Đại diện lãnh đạo tỉnh Cà Mau tặng quà cho đại đức Hữu Ty Na, Trụ trì chùa Cao Dân nhân Tết Chol Chnam Thmay 2012.


Biểu tượng đại đoàn kết dân tộc


Hiện nay, bên cạnh việc công nhận và xây dựng các hạng mục khu di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương tỉnh Cà Mau còn quan tâm đầu tư xây dựng tháp thờ cố Hòa thượng Hữu Nhem đặt tại chùa Cao Dân với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Đây là biểu tượng tượng trưng cho khối đại đoàn kết giữa 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer ở Cà Mau.

Theo đại đức Hữu Ty Na - Trụ trì chùa Cao Dân: “Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giữa cộng đồng các dân tộc anh em Việt Nam là truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay. Để phát huy tình đoàn kết đó, mỗi người, mỗi nhà, mỗi dân tộc cần nhìn nhận một cách toàn diện, khách quan những diễn biến về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay”.


Với vai trò là chỗ dựa tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer trong vùng, sự đóng góp của các vị chức sắc chùa Cao Dân là một thành tích đáng trân trọng. Trong đó phong trào vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” là điểm nổi bật. Nhận thức được tầm quan trọng của phong trào đại đoàn kết, tăng, tín đồ phật tử chùa Cao Dân tích cực vận bà con dân tộc giữ vững và phát huy truyền thống yêu nước; các vị trụ trì, Ban quản trị, Ban hoằng pháp và các vị cao niên phật tử chùa Cao Dân luôn ra sức vận động phật tử, con cháu cảnh giác trước mọi âm mưu của lực lượng thù địch đã và đang âm mưu chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc.


Vào dịp lễ hội hằng năm, chùa Cao Dân luôn nhận được sự thăm viếng và hỗ trợ của các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh.


Các phong trào thi đua lao động sản xuất cũng được giới chức sắc và đồng bào Phật tử dân tộc Khmer chùa Cao Dân tích cực hưởng ứng, chuyển hóa thành hành động cụ thể. Ngày càng có nhiều tấm gương nông dân sản xuất giỏi điển hình là người dân tộc Khmer và được Thủ tướng Chính phủ tuyên dương. Trong đó Hữu Nhơn, Trưởng Ban quản trị chùa là một điển hình.


Chùa Cao Dân rất nổi tiếng về phong trào đua ghe ngo.


Ông Triệu Quang Lợi - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau nói: “Sự đóng góp của đồng bào dân tộc Khmer chùa Cao Dân về mọi mặt đã góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nông dân sản xuất giỏi... Đặc biệt là nêu cao tinh thần lá lành đùm lá rách giữa các dân tộc anh em ở địa phương.


Tinh thần tương thân tương ái giữa người có đạo và người không đạo với phương châm “Đạo pháp - xã hội chủ nghĩa”. Qua đó, tạo niềm tin vững chắc trong lòng bà con đồng bào dân tộc, tôn giáo đối với Đảng, Nhà nước trong thời kỳ đổi mới”.



Bài và ảnh:Xuân Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN