Chuẩn hóa chữ viết của đồng bào Cơ Tu

Trải qua thời gian, chữ viết Cơ Tu đang dần mai một, xuất hiện nhiều tài liệu nghiên cứu khác nhau, không thống nhất, gây khó khăn trong việc đưa chữ viết Cơ Tu vào giảng dạy tại trường học.

Trong kháng chiến chống Mỹ, tiếng Cơ Tu được cán bộ của Ban cán sự miền Tây Quảng Đà phiên âm theo dạng tự La tinh để phục vụ công tác tuyên truyền, dân vận trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao tỉnh Quảng Nam. Đây là dấu mốc ra đời của chữ viết Cơ Tu. Tuy nhiên, trải qua thời gian, chữ viết Cơ Tu dần mai một, xuất hiện nhiều tài liệu nghiên cứu khác nhau, không thống nhất gây khó khăn trong việc đưa chữ viết Cơ Tu vào giảng dạy trong trường học. 

Một lớp học chữ viết Cơ Tu tại huyện Tây Giang (Quảng Nam) do ông Clâu Nghi - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Tây Giang giảng dạy. Ảnh: Thethaovanhoa.vn

Tỉnh Quảng Nam là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Cơ Tu với hơn 50.240 người, tập trung ở 3 huyện vùng cao gồm Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang. Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Nam Giang Lê Văn Hường cho biết: Năm 1957 là mốc son quan trọng đối với người Cơ Tu khi có chữ viết riêng của dân tộc mình. 

Vào thời gian này, đồng chí Lê Hồng Mao và nhiều đồng chí khác của Ban cán sự miền Tây Quảng Đà được giao nhiệm vụ nghiên cứu và phiên âm tiếng Cơ Tu ra chữ viết dạng tự La tinh, qua đó giúp cho nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng ở dưới xuôi lên dễ dàng học tiếng của đồng bào, phục vụ yêu cầu của cuộc kháng chiến. Khi có chữ viết riêng của dân tộc mình, người Cơ Tu xem đó như là “con chữ của cách mạng”. 

Hiện có hai nguồn tài liệu nghiên cứu về chữ viết Cơ Tu là của Viện Ngôn ngữ học và cuốn sách “Chữ viết Cơ Tu” do ông Bh’ríu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang tổ chức biên soạn. Cuốn sách “Chữ viết Cơ Tu” đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh vào giữa tháng 5/2017. Tuy nhiên, hai nguồn tài liệu trên có nhiều điểm khác nhau và chưa nhận được sự thống nhất của lãnh đạo 3 huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang để trở thành nguồn tài liệu chính thức đưa vào giảng dạy cho học sinh. 

Ông Lê Duy Thắng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Giang cho biết, việc đưa vào giảng dạy chữ viết Cơ Tu cho học sinh ở các trường trên địa bàn là rất cần thiết. Vì vậy, huyện Đông Giang đề nghị tỉnh Quảng Nam cần sớm đề xuất với các bộ, ngành ở Trung ương tiến hành thẩm định các nguồn tài liệu về chữ viết Cơ Tu để có một bộ tài liệu chuẩn, sử dụng giảng dạy cho thế hệ trẻ. 

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Giang Lê Văn Hường, chữ viết Cơ Tu có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu hiện nay. Chẳng hạn, nghệ thuật nói lý, hát lý của người Cơ Tu ở tỉnh Quảng Nam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Những bài nói lý, hát lý thường do người cao tuổi trong các thôn, bản thể hiện và được truyền khẩu. 

Nếu như loại hình nghệ thuật này được ghi chép bằng chữ viết để phổ biến cho thế hệ trẻ, sẽ góp phần giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể độc đáo này trong cộng đồng… Hiện nay, chữ viết Cơ Tu chỉ được 3 huyện vùng cao của tỉnh Quảng Nam sử dụng để dạy cán bộ, giáo viên người Kinh lên công tác. Riêng huyện Tây Giang đã mở được 3 khóa dạy chữ viết Cơ Tu cho cán bộ trẻ, mỗi khóa khoảng 4 tháng. Kết thúc khóa học, các học viên được cấp chứng chỉ tương đương với chứng chỉ B2 Anh văn do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cấp.

Đỗ Trưởng (TTXVN)
Bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết Bahnar, J'rai

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có hơn 30 dân tộc thiểu số cùng chung sống tại hơn 1.000 buôn làng; trong đó có 2 dân tộc bản địa chính là Bahnar và J'rai, với gần 400.000 người, chiếm 1/4 dân số của toàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN