Đã khép lại một năm đầy sóng gió trên Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Tín hiệu đáng mừng của những phiên giao dịch đầu năm 2013 cho thấy tia hi vọng về sự phục hồi của thị trường. Theo các đại biểu tham dự hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2013 được tổ chức tại Hà Nội ngày 9/1, niềm tin này hoàn toàn có cơ sở khi một loạt các giải pháp được triển khai trong năm qua bắt đầu có hiệu ứng với thị trường.
Nhà đầu tư theo dõi diễn biến các chỉ số tại sàn giao dịch chứng khoán Rồng Việt (TP HCM). Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN |
* Số vụ vi phạm cao nhất Theo đánh giá của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, năm qua, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, hoạt động của TTCK trong nước khá ảm đạm. Tính đến cuối năm 2012, chỉ số VN-Index đứng ở mức 413,73 điểm, chỉ tăng 17,7% so với cuối năm 2011, chỉ số HNX-Index đứng ở mức 57,09 điểm, giảm 2,8% so với cuối năm trước. Tổng giá trị huy động vốn ước đạt 174 nghìn tỷ đồng.
Tình hình hoạt động của các công ty niêm yết hết sức khó khăn. Riêng đối với các công ty chứng khoán, trên 70% công ty bị lỗ lũy kế. Chính khó khăn của TTCK đã kéo theo hệ lụy về hàng loạt các vi phạm về: công bố thông tin; phát hành thêm cổ phiếu mà không báo cáo…của các công ty trong thời gian qua.
Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cho biết, năm 2012 là năm có số lượng quyết định xử phạt và số tiền phạt cao nhất từ trước tới nay. Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã ban hành hơn 180 quyết định xử phạt với tổng số tiền lên tới 11 tỷ đồng. Năm qua cũng là năm tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp phát sinh trên TTCK và đã được xử lý nghiêm, kịp thời.
Điểm nổi bật trong công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường chứng khoán năm 2012 đó chính là đã xác định vi phạm nghiêm trọng về sử dụng tiền và chứng khoán của nhà đầu tư một công ty chứng khoán. Theo đó, Ủy ban chứng khoán nhà nước đã chuyển toàn bộ hồ sơ và cung cấp tài liệu, cho cơ quan công an để điều tra và xử lý công ty này.
Ngoài ra, 58 công ty đại chúng, công ty niêm yết đã bị xử phạt do vi phạm các quy định về công bố thông tin và báo cáo, chậm đăng ký công ty đại chúng, phát hành thêm không báo cáo… Siết chặt vấn đề quản lý, Ủy ban chứng khoán đã ra 5 quyết định xử phạt đối với 5 kiểm toán viên vi phạm Quy chế lựa chọn doanh nghiệp kiểm toán. Đặc biệt, đối với vụ việc thao túng giá tại Công ty chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS), Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã chuẩn bị tài liệu liên quan và chuyển cho cơ quan công an.
* Quyết liệt tái cấu trúc Năm 2012 cũng được đánh giá là năm việc tái cấu trúc các công ty chứng khoán diễn ra quyết liệt. Trong đó, việc phân loại các công ty chứng khoán để có giải pháp điều chỉnh phù hợp được chú ý. Những công ty thuộc diện phải kiểm soát, kiểm soát đặc biệt phải xây dựng phương án, kế hoạch khắc phục kịp thời.
Bên cạnh đó, đối với những công ty chứng khoán năng lực yếu kiên quyết rút nghiệp vụ môi giới; đình chỉ hoạt động…Việc rút nghiệp vụ môi giới có thể hiểu theo nghĩa rút giấy phép hoạt động và chỉ tồn tại pháp nhân để xử lý các khoản nợ. Ngoài ra, trong năm qua, văn bản để hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ việc tái cấu trúc TTCK cũng được ban hành kịp thời như Thông tư số 165/2012/TT-BTC về chỉ tiêu an toàn tài chính…
Ông Nguyễn Băng Tâm, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ các Công ty niêm yết cho rằng, nhìn lại năm qua, Ủy ban chứng khoán nhà nước và các cơ quan quản lý của 2 sở giao dịch Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đã nỗ lực triển khai đề án tái cấu trúc thị trường để thị trường vận hành an toàn. Việc kéo dài thời gian giao dịch sang buổi chiều, sử dụng công cụ điều chỉnh biên độ, nhiều cải tiến áp dụng trong cơ chế giao dịch và thanh toán…đã giúp thị trường dần ổn định.
Tuy nhiên, hầu hết đại biểu tham dự hội nghị đều cho rằng, tái cấu trúc các công ty chứng khoán có thành công hay không ngoài giải pháp của cơ quan quản lý nhà nước, sự cố gắng của bản thân các công ty là rất quan trọng.
Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) cũng cho rằng, những tổn thất xảy ra trong thời gian qua là hệ quả của quá trình xây dựng chiến lược kinh doanh chỉ chú trọng hoạt động tự doanh chứng khoán, cho vay ký quỹ tràn lan thiếu kiểm soát nhằm đẩy mạnh việc phát triển doanh thu, thị phần. Hiểu được rõ vấn đề này và cũng tự cứu mình trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, Công ty HSC đã thực hiện dự án thiết lập hệ thống quản lý rủi ro dưới sự tư vấn của một công ty tư vấn quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực quản trị rủi ro. Dự án kéo dài hơn 4 tháng và trải qua 4 giai đoạn: đánh giá, thực trạng quản lý rủi ro tại HSC; xác định, đánh giá, giảm thiểu kiểm soát rủi ro; triển khai ứng dụng khung quản trị rủi ro và đánh giá việc triển khai ứng dụng.
Đến nay, công ty đã thực hiện được 1/2 dự án. Đơn vị tư vấn đã giúp công ty xác định được danh sách rủi ro có khả năng đe dọa đến hoạt động của công ty. Năm 2014, công ty sẽ hoàn thành hệ thống quản trị rủi ro để tạo thành một nền tảng quản lý vững chắc. Việc triển khai ứng dụng quản lý rủi ro giúp công ty đến gần mục tiêu đã định và tăng cường niềm tin với cổ đông và nhà đầu tư.
* Kỳ vọng sự phục hồi
Trước những giải pháp quyết liệt trên TTCK được các cơ quan quản lý nhà nước siết chặt trong thời gian qua, theo nhiều đại biểu tham dự hội nghị, có thể tin tưởng vào sự phục hồi của TTCK trong năm 2013.
Ông Trần Thanh Tân, Tổng Giám đốc công ty Công ty quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) phấn khởi: Lâu lắm rồi, TTCK Việt Nam mới xuất hiện một phiên sôi động như ngày hôm qua (8/1). Khi mà kết thúc phiên giao dịch, tại sàn Hồ Chí Minh, chỉ số VN-Index đứng ở mức 447,16 điểm, tại sàn Hà Nội, HNX-Index là 59,95 điểm với mức tăng lần lượt là 12,97 điểm và 0,59 điểm so với ngày trước đó.
Hình ảnh nhà đầu tư đập bàn, đập tay, cười nói phấn khởi đã bắt đầu trở lại trên sàn. Nhân viên môi giới tại công ty chứng khoán sau thời gian ngáp dài, ngáp ngắn vì vắng khách đã vui mừng trước sự sôi động hiếm có này của thị trường. Dấu hiệu ban đầu này cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư đã bắt đầu quay lại TTCK.
Không chỉ là những lời nói suông, trong năm 2013, bản thân các công ty chứng khoán cũng như cơ quan quản lý nhà nước đã quyết liệt đưa ra một loạt các giải pháp để phục hồi TTCK. Cụ thể, phía Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã đưa ra nhóm giải pháp liên quan tới tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài; về thuế; thanh khoản, cổ phần hóa để tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Nêu ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam cho biết, thời gian tới, 2 sở giao dịch và Trung tâm lưu ký nên giảm tối đa các loại phí cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trước tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay. Việc triển khai các sản phẩm mới cần phải thực hiện song song với vấn đề nâng cao năng lực quản trị rủi ro. Đặc biệt, cơ quan quản lý nhà nước có chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng SHB cũng cho rằng, Bộ, ngành liên quan cần quan tâm triển khai kịp thời giải pháp khuyến khích TTCK phát triển như loại bỏ chứng khoán khỏi danh mục phi sản xuất; đảm bảo chính sách thuế công bằng đối với các nhà đầu tư.
Ngoài ra, ông Hiển cũng đề xuất Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần tổ chức các buổi trao đổi kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp niêm yết, tạo cầu nối để các doanh nghiệp niêm yết có điều kiện trau dồi kinh nghiệm quản trị cũng như hợp tác, phát triển hoạt động kinh doanh.
Hải Yến