Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á lên điểm trong phiên giao dịch mở cửa ngày 9/12, nhờ các số liệu khả quan về thương mại của Trung Quốc, đồng yên yếu hơn và phố Wall chốt phiên trước ổn định. Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 0,2%. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 276,98 điểm, hay 1,81%, lên 15.576,84 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 19,99 điểm, hay 1,01%, lên 2.000,4 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 226,9 điểm, hay 0,96%, lên 23.970 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 0,21%, lên 2.241,79 điểm.
Hỗ trợ lòng tin ở châu Á là một loạt số liệu tích cực về thương mại từ nền kinh tế lớn trong khu vực là Trung Quốc. Xuất khẩu của nước này trong tháng 11 vượt dự báo, tăng 12,7%, trong khi nhập khẩu tăng 5,3%. Xuất khẩu mạnh có thể là nhờ sự cải thiện gần đây trong hoạt động chế tạo của toàn cầu như đã thấy qua chỉ số quản lý sức mua ở các nền kinh tế phát triển.
Trong khi đó, cả đồng USD và đồng euro đều tiếp tục lên giá so với đồng yên, với đồng tiền châu Âu chạm mức cao trong 5 năm, điều sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu, lợi nhuận và chứng khoán ở Nhật Bản. Thêm vào đó, khảo sát của Reuters cho thấy lòng tin của các nhà chế tạo Nhật Bản tăng tháng thứ hai, lên mức cao 3 năm trong tháng 12, một bằng chứng nữa về sự phục hồi vững chắc của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Trên phố Wall, chỉ số Dow Jones chốt phiên cuối tuần trước tăng 1,26%, trong khi S&P 500 tăng 1,12%. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã thuyết phục được nhà đầu tư rằng giảm chương trình kích thích không có nghĩa là thắt chặt chính sách tiền tệ, và lãi suất sẽ vẫn thấp trong một thời gian dài sắp tới.
Trong khi báo cáo việc làm đáng khích lệ của Mỹ đã đưa thời điểm FED rút dần chương trình mua tài sản đến gần, song số liệu việc làm cũng cho thấy nền kinh tế Mỹ đang phục hồi đủ mạnh để trụ được trước một động thái như vậy. Tổng số việc làm được tạo ra tại Mỹ trong tháng 11 là 203.000, đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp trong 5 năm là 7%.
Lê Minh