Chứng khoán Mỹ chấm dứt bảy tuần tăng liên tiếp

Sau khi liên tiếp xác lập các mức cao kỷ lục mới vào tuần trước, chứng khoán Mỹ lại đi xuống ở cả bốn trên năm phiên giao dịch của tuần này, chủ yếu do không khí “u ám” của thị trường năng lượng thế giới, khi giá dầu đã phá đáy của 5 năm qua, xuống dưới ngưỡng 60 USD/thùng. Ngoài ra, các số liệu tiêu cực từ một số nền kinh tế lớn và khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh lộ trình nâng lãi suất cũng tạo áp lực giảm cho các mã cổ phiếu.

Mở đầu tuần (ngày 8/12), các chỉ số chính của phố Wall đã đồng loạt thay “sắc đỏ” và S&P còn ghi nhận mức giảm mạnh nhất tính theo ngày kể từ phiên 22/10, sau khi giới đầu tư phải tiếp nhận các số liệu kinh tế gây thất vọng từ Trung Quốc và Nhật Bản- nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới. Cụ thể, kinh tế Nhật Bản quý III/2014 giảm mạnh hơn mức công bố trước đó, trong khi hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc cũng bất ngờ suy giảm trong tháng 11/2014.


Khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh lộ trình nâng lãi suất cũng tạo áp lực giảm cho các mã cổ phiếu.


Sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hạ dự báo về nhu cầu dầu mỏ của khối này trong năm 2015 và xuất hiện thông tin kho dự trữ dầu thô của Mỹ có xu hướng đầy lên, giá dầu thế giới tiếp tục “chìm sâu”. Điều này khiến chứng khoán Mỹ tiếp tục lùi bước trong hai phiên giao dịch 9-10/12, khi nhóm cổ phiếu ngành năng lượng đua nhau hạ giá.

Bên cạnh đó, việc Chính phủ Hy Lạp quyết định tổ chức cuộc bầu cử tổng thống mới vào tuần tới cũng góp phần tô điểm cho “sắc đỏ” tại thị trường chứng khoán hai bờ Đại Tây Dương, bởi nó khiến nhiều nhà đầu tư thêm hoang mang về khả năng phục hồi kinh tế tại “Xứ sở của các vị Thần”, cũng như viễn cảnh của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Điểm sáng duy nhất trong tuần giao dịch này của phố Wall là phiên 11/12, giữa bối cảnh thị trường đón nhận thêm một vài tín hiệu tích cực từ nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngoài những tác động bất lợi, xu hướng đi xuống của giá dầu thế giới lại là nhân tố thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ trong kỳ nghỉ cuối năm này. Bên cạnh đó, thống kê mới nhất cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần tại Mỹ giảm, dấu hiệu chứng tỏ sự cải thiện của thị trường lao động nước này, qua đó tạo lực đẩy cho thị trường chứng khoán Mỹ.

Tuy nhiên, tới phiên giao dịch cuối tuần (ngày 12/12), cả ba chỉ số chính của Phố Wall lại đảo chiều giảm sâu, thậm chí đây còn được coi là một trong những phiên mất điểm mạnh nhất kể từ đầu năm nay. Nguyên nhân chính dẫn tới kết quả này vẫn bắt nguồn từ đà “lao dốc không phanh” của giá dầu, với mức giảm hơn 3% trong phiên cuối tuần, sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hạ dự báo về nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ thế giới năm 2015. Cùng với đó, xu hướng bán tháo cổ phiếu còn được hỗ trợ bởi tình trạng bất ổn chính trị tại Hy Lạp, khiến các thị trường chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt đỏ sàn.

Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 315,51 điểm (1,79%), xuống 17.280,83 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng hạ 33 điểm (1,62%), xuống 2.002,33 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq mất 54,57 điểm (1,16%), xuống 4.653,60 điểm.

Như vậy, tính chung cả tuần này, ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều chứng kiến mức giảm sau bảy tuần đi lên liên tiếp. Đáng chú ý, chỉ số Dow Jones và S&P còn đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng mười vừa qua. Cụ thể, chỉ số Dow Jones giảm 3,8% - đánh dấu tuần giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ đầu năm 2014, chỉ số S&P cũng hạ 3,5% - mức giảm mạnh nhất tính theo tuần của chỉ số này kể từ tháng 5/2012, còn chỉ số Nasdaq lùi 2,7%.


Minh Trang
Chứng khoán châu Á khép lại một tuần trong sắc xanh
Chứng khoán châu Á khép lại một tuần trong sắc xanh

Khép lại một tuần tăng điểm tích cực, chứng khoán châu Á “xanh sàn” trên hầu hết các thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN