Ông Hoàng Văn Tân, Phó ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình cho biết: Một số xã có sự chuyển biến rõ nét như Kim Thủy (huyện Lệ Thủy), xã Trường Xuân và Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa)... Qua 5 năm thực hiện, chương trình đã hỗ trợ xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, thông tin liên lạc… ở các xã đặc biệt khó khăn. Thông qua nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đồng bào được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thiết bị máy móc, công cụ sản xuất... từ đó góp phần nâng cao năng suất và sản lượng, đời sống của đồng bào đã được cải thiện đáng kể.
Đến nay, 100% số xã trong tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã; tỷ lệ xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã và các nguồn điện khác chiếm 94,3%, tỷ lệ hộ dùng điện sinh hoạt đạt 84%; tỷ lệ hộ nghèo từ 61,57% năm 2011, giảm còn 21,2% năm 2015...
Có được kết quả trên là do Chương trình 135 tại tỉnh Quảng Bình được thực hiện theo nguyên tắc công khai, dân chủ, phát huy tốt vai trò của chính quyền cơ sở và thu hút sự quan tâm của các tổ chức, đoàn thể và của người dân. Các hợp phần của chương trình được thiết kế tương đối phù hợp với nhu cầu thực tế; xây dựng cơ sở hạ tầng đi đôi với hỗ trợ phát triển sản xuất; nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng... Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư hợp lý, thực hiện lồng ghép, huy động nguồn lực nhằm thực hiện đồng bộ các nội dung của Chương trình 135.
Để phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Bình đề nghị Ủy ban Dân tộc tham mưu Chính phủ tiếp tục bố trí nguồn vốn thực hiện chương trình; các bộ, ngành liên quan sớm có hướng dẫn cụ thể cách thức triển khai các dự án thành phần để địa phương có cơ sở thực hiện.