Anh Nguyễn Văn Sáu, ở thôn 9, xã vùng sâu Krông Búk, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng hoa màu năng suất thấp sang trồng hoa, mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Chăm sóc vườn hoa cúc đại đóa tại một hộ trồng hoa. Ảnh: trần lê lâm – TTXVN |
Năm 1985, gia đình anh từ Khánh Hòa lên lập nghiệp tại Đắk Lắk. Sau những năm tháng làm thuê cuốc mướn, anh Sáu tích cóp “tậu” được 1,2 sào đất vườn trồng hoa màu và 1,5 sào đất ruộng trồng lúa. Gia đình có đến 6 miệng ăn, chỉ trông chờ vào gần 3 sào ruộng rẫy trồng ngô, khoai lang, lúa, nên năm nào cũng thiếu trước, hụt sau. Anh Sáu suy nghĩ: Mình có ít đất thì làm theo kiểu ít đất, nhưng phải trồng loại cây để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Qua các phương tiện truyền thông, anh mạnh dạn “khăn gói” lên thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) để học cách trồng hoa của các nhà vườn sản xuất kinh doanh giỏi. Anh cùng ăn, cùng ở, cùng làm vườn với các chủ vườn để học hỏi kinh nghiệm, quy trình trồng, thâm canh từng loại hoa như hoa ly, cúc tứ quý, hoa hồng, hoa lay ơn... Trở về anh bắt tay vào việc đúc chậu, chuyển 1,2 sào đất rẫy sang trồng các loại hoa lấy giống từ Đà Lạt. Năm đầu tiên, do không nắm bắt được quy luật thời tiết, sự thích nghi của khí hậu tại địa phương, nên anh thất bại nặng nề. Trên 1.600 chậu hoa của gia đình nở trước Tết, đành bỏ đi, nợ chồng lên nợ. Không nản chí, anh Sáu nhượng lại 1,5 sào ruộng nước để lấy vốn gây lại vườn hoa mới.
Từ thất bại ban đầu đó, năm 2002, do đã có kinh nghiệm anh Nguyễn Văn Sáu gieo ươm và trồng thành công trên 1.600 chậu hoa mới. Tết năm đó, anh đã thu lãi trên 80 triệu đồng. Và anh đã “ăn nên, làm ra” từ vườn hoa cho đến ngày hôm nay.
Anh Sáu chia sẻ, nhiều người nghĩ trồng hoa khó lắm, nhất là trồng hoa Tết nên sợ không dám trồng, nhưng thực ra trồng hoa rất đơn giản, tốn ít chi phí so với nhiều cây trồng khác, và hiệu quả kinh tế lại khá cao. Điều quan trọng nhất là phải biết được đặc tính từng loại hoa, canh ngày trồng, dự đoán thời tiết nóng, lạnh trong năm, có lịch bón phân cụ thể để hoa nở đúng dịp Tết. Anh Sáu cho biết thêm, để tạo độ tơi, xốp cho cây hoa sinh trưởng, phát triển tốt, đất bỏ vào chậu phải trộn theo tỷ lệ 1/2 đất, 1/2 tro, trấu, cát và phân bón... Khi đưa đất vào chậu trồng hoa, dùng tay nắm đất lại và thả tay ra, đất tự nhiên bung ra thì mới đạt yêu cầu... Ngoài việc trồng hoa bán Tết, anh Sáu còn trồng thêm cây cảnh như sanh, si, sung, hoa cúc tứ quý bán hàng ngày, tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Từ nghèo khó, nay gia đình anh Nguyễn Văn Sáu đã có của ăn của để, có điều kiện chăm lo con cháu ăn học thành tài, đầu tư làm mới lại ngôi nhà khang trang. Nhiều năm liền anh Nguyễn Văn Sáu đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Quang Huy