Chuyện đi “bình dân học vụ” của người dân tộc Sán Chỉ ở Khâu Đấng

Tưởng như hình ảnh những người già, những cặp vợ chồng lớn tuổi hồ hởi đốt đuốc đi học xoá mù chữ ban đêm chỉ còn trong các thước phim tư liệu. Thế nhưng, ở thôn Khâu Đấng, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, người dân tộc Sán Chỉ nơi đây vẫn đêm đêm đốt đuốc đến trường để học “cái chữ Bác Hồ”.

Hôm nào cũng vậy, sau bữa cơm chiều đạm bạc, hai vợ chồng anh Trương Văn Lại ở thôn Khâu Đấng, xã Bộc Bố lại tất bật đốt đuốc để tới lớp học xoá mù cho kịp giờ học.
Không chỉ có vợ chồng anh Lại, người trong thôn ai cũng mau chóng thu xếp công việc, ăn cơm tối thật sớm đến đến lớp. Đã thành lệ, cứ chiều chiều, những tiếng gọi nhau đi học lại rộn rã vang lên khắp thôn.

Một lớp học "xóa mù" ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Nguồn: Internet.



Lớp học xóa mù chữ thôn Khâu Đấng có trên 20 học viên, phần lớn ở tuổi trung niên trở lên, tất cả đều rất phấn khởi khi được tham gia lớp học này. Đây cũng là động lực để các giáo viên đứng lớp không quản khó khăn bám lớp bám trường.

Ngày nào cũng phải đi bộ gần 2 km đường dốc trong đêm tối đến nơi dậy học nhưng cô giáo Hoàng Thị Nhiệm, Trường tiểu học Bộc Bố chưa nghỉ buổi nào. Cô Nhiệm cho biết: Lớp học đã được triển khai hơn 2 tháng. Lẽ ra sớm hơn mấy tháng nhưng vướng vụ mùa nên bây giờ mới triển khai được.

Mặc dù lớn tuổi nhưng mọi người đều rất chăm chỉ và quyết tâm, chưa bao giờ có chuyện học sinh đi muộn hay bỏ học. Họ làm việc cả ngày trên nương, đến tối lại lội suối băng rừng để đến lớp, chỉ riêng đều đó thôi đã là sự khích lệ giúp chúng tôi bám lớp bám trường dạy chữ cho người dân nơi đây.

Ông Lâm Văn Điển, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Pác Nặm cho biết: Toàn huyện hiện có 15 lớp học xoá mù chữ, với 213 học viên của toàn bộ 10 xã trong huyện. Lớp học được hỗ trợ tiền thắp sáng. Các giáo viên được chi trả tiền hỗ trợ theo hệ số lương, trích từ tiền của chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo và an sinh xã hội.

Người dân tộc Sán Chỉ ở thôn Khâu Đấng kinh tế khó khăn, canh tác lạc hậu. Có lẽ vì thế, nên nơi đây ai cũng khát khao biết đọc, biết viết. Đối với họ, được đi học biết cái chữ là cả một niềm mong mỏi.

Anh Trương Văn Lại cho biết: Ngày xưa mình còn nghèo không có điều kiện đi học, giờ được Nhà nước quan tâm mở lớp xóa mù chữ thì mình cũng cố gắng  học cho mình và cho con cái noi theo. Có biết chữ thì làm ăn mới khấm khá được.

Cô giáo Nhiệm tự hào nói: Dù rất ngượng nghịu với những nét bút đầu tiên trong đời và nhiều người còn chưa nói sõi tiếng Kinh, khi tập đọc còn bị vấp nhưng các anh, các chị rất gương mẫu, luôn hoàn thành tốt những bài tập được giao.

Chứng kiến một lớp học xoá mù buổi tối, mới thấy hết sự gian nan, vất vả và khao khát của người dân tộc thiểu số đến với tri thức. Trong ánh mắt mỗi người tham gia lớp học đều ánh lên niềm vui, lòng tự hào khi được cầm bút và hơn hết là khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Có thể cuộc sống của người dân Khau Đấng còn rất khó khăn nhưng niềm lạc quan, tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn không bao giờ mất đi trong con người họ. Và tương lai đó có thể bắt đầu từ chính lớp học xóa mù này.


TTXVN/ Tin Tức
Cô gái dân tộc Mông và khát vọng xóa mù chữ
Cô gái dân tộc Mông và khát vọng xóa mù chữ

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đến thăm Trung tâm hỗ trợ giáo dục phát triển cộng đồng tại thị trấn Sa Pa (tỉnh Lào Cai), do cô gái người Mông là Tẩn Thị Su mở cách đây khoảng 2 năm, đang thu hút 80 học viên, chủ yếu là các con em đồng bào dân tộc thiểu số đến học cái chữ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN