Việc thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động của các lâm trường quốc doanh thành Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp (Công ty lâm nghiệp) theo Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị kỳ vọng sẽ góp phần mang lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt hơn công tác quản lý bảo vệ rừng.
Thế nhưng, sau khi chuyển đổi, hàng loạt các công ty lâm nghiệp lại hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả; rừng, chất lượng rừng tiếp tục ngày càng thu hẹp, suy giảm. Thậm chí, nhiều công ty lâm nghiệp lâm vào hoàn cảnh sống dở, chết dở, không có tài chính để trả lương cho cán bộ công nhân viên…
“Bình mới, rượu cũ”
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, sau khi sắp xếp, chuyển đổi, các tỉnh Tây Nguyên hiện có 56 Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước (Công ty Lâm nghiệp), trong đó, Đắk Lắk, Đắk Nông mỗi tỉnh có 15 công ty, các tỉnh Kon Tum, Lâm Đồng, Gia Lai mỗi tỉnh có từ 7 - 11 công ty. Tổng diện tích đất lâm nghiệp các công ty được giao quản lý trên 998.523 ha/5.484.105 ha tự nhiên của cả vùng (chiếm 18% diện tích tự nhiên của cả vùng), trong đó, tổng diện tích rừng đang quản lý 8.009 ha, bao gồm rừng tự nhiên và rừng trồng. Bình quân một công ty được giao 17.830 ha đất lâm nghiệp, trong đó có 13.078 ha rừng sản xuất là tự nhiên và 1.630 ha rừng phòng hộ. Các công ty lâm nghiệp có tổng vốn trên 540 tỷ đồng, với tổng số lao động hợp đồng không xác định thời hạn là 1.866 người.
Tài nguyên rừng tiếp tục suy giảm, thu hẹp, đời sống công nhân viên các lâm trường gặp nhiều khó khăn. |
Sau khi sắp xếp, chuyển đổi, các doanh nghiệp lâm nghiệp phần lớn đã xác định được vai trò, nhiệm vụ của từng đơn vị, từ đó điều chỉnh hình thức tổ chức hoạt động và bước đầu rà soát làm rõ được tình hình tài chính, các khoản công nợ phải thu, phải trả cũng như đất đai được giao, được cấp, cho thuê, cho mượn, tranh chấp, lấn chiếm... Giai đoạn đầu, chưa có chủ trương “đóng cửa rừng”, một số công ty lâm nghiệp như Công ty Lâm nghiệp M’Đrắk, Krông Bông (Đắk Lắk) có ưu thế về sản lượng gỗ khai thác hàng năm, điều kiện tự nhiên phù hợp với nhiều loại cây lâm nghiệp, cây công nghiệp… nên đã tổ chức sản xuất kinh doanh đa ngành mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người lao động, vốn rừng ngày càng phát triển.
Trong khi đó, các công ty lâm nghiệp khác không có chỉ tiêu khai thác gỗ như Chư Ma Lanh, Rừng Xanh, Ya Lốp, Ea Mơ, Buôn Wing (Đắk Lắk) sau khi chuyển đổi thành công ty cũng không khác gì mấy so với khi còn là lâm trường quốc doanh. Tài nguyên rừng tiếp tục suy giảm, thu hẹp, đời sống công nhân viên gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, nhiều công ty lâm nghiệp vẫn phải thực hiện việc quản lý, bảo vệ cả rừng phòng hộ, rừng đặc dụng do diện tích rừng này nằm đan xen với rừng sản xuất nhưng không được cấp đầy đủ kinh phí quản lý bảo vệ rừng.
Cụ thể, Công ty Lâm nghiệp Chư Ma Lanh nằm trên địa bàn huyện Ea Súp (Đắk Lắk) quản lý trên 14.721 ha rừng, đất lâm nghiệp, trong đó có 3.140 ha rừng đầu nguồn phòng hộ hồ Ea Súp thượng. Thế nhưng, Công ty không có nguồn tài chính để hoạt động, nhân lực tham gia quản lý bảo vệ rừng lại mỏng, nợ lương công nhân kéo dài nên đơn vị đành “bất lực” để hàng ngàn ha rừng, đất rừng khai thác, lấn chiếm trái phép…
Mặt khác, hiện nay, nhiều công ty lâm nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên vẫn chưa rà soát, đo đạc cắm mốc, xác định ranh giới tại thực địa, chưa đo vẽ được bản đồ để làm các thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định mà chỉ rà soát, phân loại theo số liệu trên sổ sách và giao lại một phần diện tích đất cho địa phương, chưa cho doanh nghiệp thuê đất. Một số công ty lâm nghiệp được các địa phương cấp kinh phí, hoặc ứng kinh phí của công ty để đo đạc, lập hồ sơ và đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng các công ty chưa “dám” nhận, vì nhận về phải thực hiện việc ký hợp đồng thuê đất, trả tiền thuê đất hàng năm, trong khi đó, công ty chưa có khả năng tài chính để thực hiện…
Cũng theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, chính sách thuế tài nguyên trong lâm nghiệp hiện nay chưa hợp lý, do thuế suất quá cao, thậm chí, sản phẩm củi cũng phải chịu thuế, trong khi, các công ty lâm nghiệp lại khó tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển. Việc xác định vốn của các công ty cũng chỉ mới căn cứ vào tài sản cố định và vốn lưu động, trong khi đó, tài sản lớn nhất của doanh nghiệp lâm nghiệp là rừng tự nhiên, rừng trồng, vườn cây lâu năm… (do chưa xác định được giá trị nên chưa được tính vào vốn).
Cũng chính do chưa xác định được giá trị rừng nên các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong việc giao khoán rừng, vay vốn khi có yêu cầu thế chấp tài sản cho các ngân hàng thương mại…. Về nguyên tắc, các công ty lâm nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, có quyền tự chủ sản xuất kinh doanh, nhưng trên thực tế, quyền này chưa được bảo đảm. Mặc dù được giao quản lý diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhưng quyền tự chủ trong sử dụng rừng và đất rừng đều hạn chế nên hầu hết các công ty lâm nghiệp vẫn hoạt động theo cơ chế cũ, không phát huy được hiệu quả sử dụng rừng, đất rừng. Thực tế hiện nay, hầu hết các công ty lâm nghiệp chỉ tập trung vào công tác quản lý, bảo vệ rừng như một đơn vị sự nghiệp không khác gì mấy so với trước khi chuyển đổi nên hiệu quả quản lý bảo vệ rừng vẫn chưa cao.
Các giải pháp lâu dài
Để tạo chuyển biến tích cực trong các công ty lâm nghiệp, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên kiến nghị các bộ, ngành Trung ương đề xuất, hoàn thiện các chính sách để các công ty lâm nghiệp đủ năng lực bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng được giao, có nguồn thu ổn định, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, gắn trách nhiệm của chủ rừng với kết quả bảo vệ rừng. Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định về một số cơ chế, chính sách và giải pháp tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng.
Nghiên cứu, thống nhất phương pháp và thực hiện kiểm kê, định giá lại tài sản của các công ty lâm nghiệp, trong đó có tài sản là cây rừng, đồng thời, xác định lại và làm rõ vốn chủ sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng đề xuất, kiến nghị các địa phương, các bộ ngành chức năng có biện pháp hỗ trợ kinh phí để phục vụ cho công tác bảo vệ, phát triển rừng từ ngân sách Nhà nước và quỹ bảo vệ, phát triển rừng.
Các đơn vị hoạt động không có hiệu quả chuyển sang mô hình đơn vị sự nghiệp có thu (ban quản lý rừng) hoặc không có tiềm năng để phát triển, năng lực quản lý bảo vệ rừng yếu kém thì giải thể, chuyển giao rừng, đất rừng lại cho địa phương để giao cho các hộ dân, nhóm hộ, cộng đồng và các doanh nghiệp khác có năng lực nhằm thực hiện tốt hơn công tác quản lý bảo vệ rừng. Sớm tổ chức kiểm kê hiện trạng ba loại rừng để từ đó có cơ sở lập quy hoạch quản lý bảo vệ. Đối với rừng phòng hộ, đặc dụng và rừng tự nhiên có trữ lượng thì giao cho các vườn quốc gia, khu bảo tồn, ban quản lý để bảo vệ nghiêm ngặt, đồng thời, có cơ chế, chính sách đầu tư, kinh phí, mô hình tổ chức quản lý để đảm bảo cho các đơn vị, lực lượng tham gia quản lý bảo vệ rừng “đủ sống” để tham gia tích cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng…
Bài và ảnh: Quang Huy