Ngày 1/10, các chuyên gia quốc tế về giải trừ vũ khí hóa học đã đến Syria, bắt đầu sứ mệnh của mình sau khi nhóm điều tra vũ khí hóa học của Liên hợp quốc (LHQ) hoàn thành nhiệm vụ.19 thanh sát viên của Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã di chuyển bằng đường bộ từ Lebanon sang Syria để bắt đầu thanh sát các địa điểm sản xuất, cất giữ và đề xuất biện pháp tiêu hủy các loại vũ khí hóa học của Syria được triển khai từ nay đến giữa năm 2014 trên cơ sở Nghị quyết số 2118 của Hội đồng Bảo an LHQ.
Xe của phái đoàn chuyên gia tiêu hủy vũ khí hóa học LHQ tới Damascus, ngày 1/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nhiệm vụ của nhóm chuyên gia OPCW và 14 nhân viên hỗ trợ của LHQ được cho là rất nặng nề, bởi theo đánh giá của các chuyên gia, Syria hiện có hơn 1.000 tấn vũ khí hóa học, trong đó có cả khí độc sarin, khí ngạt iperit và nhiều loại chất độc hóa học bị cấm sử dụng khác đang được cất giữ tại 45 địa điểm nằm rải rác trên khắp đất nước. Hơn nữa, đây là lần đầu tiên trong lịch sử OPCW, các chuyên gia của tổ chức này phải thực hiện nhiệm vụ tại một quốc gia đang trong tình trạng nội chiến kéo dài.
Trước đó, nhóm chuyên gia vũ khí hóa học LHQ đã rời Syria hôm 30/9 và dự kiến sẽ đệ trình báo cáo về 7 cuộc tấn công được cho là sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xung đột ở Syria vào cuối tháng này.
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad vẫn bác bỏ cáo buộc của Mỹ về việc sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường, đồng thời cam kết tuân thủ nghị quyết của Hội đồng bảo an LHQ trên cơ sở thỏa thuận Nga-Mỹ về tiêu hủy vũ khí hóa học.
Nghị quyết 2118 của LHQ, được thông qua hôm 27/9, cũng kêu gọi tổ chức một hội nghị hòa bình cho Syria dự kiến diễn ra vào giữa tháng 11 tới tại Geneva, Thụy Sĩ. Tuy nhiên, kế hoạch tổ chức hội nghị khó thực hiện khi vấn đề tiên quyết mà lực lượng đối lập đưa ra là việc Tổng thống Al-Assad phải từ chức không được đưa lên bàn đàm phán. Bộ trưởng Truyền thông Syria Omran al-Zohbi mới đây khẳng định rằng Tổng thống Al-Assad sẽ tiếp tục tại vị và sẽ tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử năm sau. Ngoại trưởng nước này, ông Walid Muallem phát biểu tại LHQ hôm 30/9 cũng khẳng định sẽ không có bất cứ điều kiện tiên quyết nào cho hội nghị hòa bình sắp tới.
Trong khi đó, lực lượng đối lập Syria vẫn một mực khẳng định chỉ tham gia đàm phán nếu Tổng thống Al-Assad từ chức. Ngày 1/10, lực lượng này đã đưa ra cảnh báo về một "thảm họa nhân đạo" xảy ra tại khu vực Moadamiyet al-Sha, ngoại ô thủ đô Damascus, đồng thời cáo buộc các chiến dịch của chính quyền Syria tại khu vực này đang khiến người dân "chết đói và mất nhà cửa". Phát ngôn viên lực lượng này cho rằng xung đột giữa quân đội và lực lượng đối lập đã làm gián đoạn nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm và nước sạch cũng như phá hủy nơi cư trú của người dân.
Moadamiyet al-Sham là khu vực được lực lượng đối lập sử dụng làm bàn đạp để tấn công vào thủ đô Damascus hòng lật đổ chế độ của Tổng thống Al-Assad. Tuy nhiên, trong nhiều tháng qua, đây là khu vực nóng bỏng xảy ra nhiều cuộc đụng độ giữa lực lượng hai bên khiến con số thương vong và thiệt hại về cơ sở hạ tầng khá nghiêm trọng. Theo báo cáo được đưa trước đó, Moadamiyet al-Sham cũng là một trong những địa điểm được cho là đã xảy ra vụ tấn công bằng khí độc sarin khiến hàng trăm người thiệt mạng hôm 21/8 vừa qua.
Theo số liệu của tổ chức Theo dõi nhân quyền Syria mới được công bố, số người thiệt mạng trong xung đột kể từ khi căng thẳng bùng phát hồi tháng 3/2011 đến nay đã lên đến 115.000 người, chủ yếu là binh lính hai bên. Ngoài ra, khoảng 4 triệu người Syria đã mất nhà cửa và 2,1 triệu người khác phải sang tị nạn tại các nước láng giềng.
TTXVN/Tin tức