Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Tomotaka Shoji (ảnh), Trưởng Phòng nghiên cứu Á-Phi - Ban Nghiên cứu khu vực - Viện Nghiên cứu Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản, về việc Trung Quốc mới đây hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Shoji, hành động trên của Trung Quốc nằm trong chiến lược tiến ra đại dương mà Trung Quốc thúc đẩy thực hiện trong những năm qua, trong đó tăng cường ảnh hưởng và sự khống chế trên thực địa tại Biển Đông. Tuy nhiên, động thái này sẽ khiến Trung Quốc mất nhiều thứ, trong đó "cái mất lớn nhất chính là quan hệ với Việt Nam và ở nghĩa rộng hơn là quan hệ với ASEAN... Căng thẳng lên cao tại Biển Đông đã mang lại 'điểm trừ' quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN".
Về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sỹ Kim Tae-wan , Trưởng Khoa chính trị Đại học Dong-Eui, Hàn Quốc, cũng nhận định với việc đặt giàn khoan ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc "sẽ mất nhiều hơn được".
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, Giáo sư, Tiến sĩ Kim Tae-wan cho rằng thông qua hành động lần này, Trung Quốc muốn thể hiện không có ý định từ bỏ yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, trong bối cảnh có sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam ngay từ giai đoạn đầu nên dù lắp đặt thành công giàn khoan ở vùng biển Việt Nam, yêu sách của Trung Quốc ở vùng biển này không thể được cộng đồng quốc tế công nhận.
Hơn nữa, trong bối cảnh Trung Quốc cũng đang mâu thuẫn, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với các nước như Nhật Bản và Philippines, hành động đơn phương của Trung Quốc khiến các quốc gia trong khu vực Đông Á, gồm cả các quốc gia Đông Nam Á, nghi ngờ việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh kinh tế và quốc phòng. Do đó, khi nảy sinh các mâu thuẫn, tranh chấp với đại bộ phận các quốc gia láng giềng như hiện nay, các quốc gia này sẽ đoàn kết lại và tiến hành các hoạt động nhằm kiềm chế Trung Quốc. Điều này dẫn tới kết quả là giúp Mỹ thực hiện chiến lược trở lại châu Á.
Theo Giáo sư Kim Tae-wan, tình hình hiện nay sẽ không tiếp tục kéo dài vì càng để lâu, Trung Quốc càng phải chịu sức ép trước khả năng các quốc gia láng giềng sẽ liên kết lại với nhau và có thể tìm cách liên kết với Mỹ để cụ thể hóa các hoạt động đối kháng với Trung Quốc, điều mà Trung Quốc rõ ràng không mong muốn.
Trong khi đó, Tiến sĩ Shoji lưu ý vai trò của ASEAN trong việc tháo gỡ căng thẳng hiện nay ở Biển Đông. Ông cho rằng việc tiếp tục thảo luận, phát huy tối đa hiệu quả các hội nghị liên quan của ASEAN là một trong những đối sách hiệu quả. Theo đó, kiên trì truyền đạt cho phía Trung Quốc quan điểm chung của khu vực và quốc tế rằng không được phép thay đổi hiện trạng bằng vũ lực. Để làm được điều đó, trước hết các nước ASEAN cần có sự thống nhất, và tiếp đó là sự hợp tác của các nước đối tác để thể hiện sự đồng thuận về vấn đề này.
TTXVN/ Tin tức