Trong hai ngày 2-3/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm chính thức Armenia. "Báo Độc lập" (Nga) số ra đầu tuần này có bài nhận định về chuyến đi, trong đó nhấn mạnh việc ông Putin ở thăm Armenia hai ngày, trong khi chỉ thăm Azerbaijan chưa trọn một ngày, cho thấy đường lối đối ngoại coi trọng mối quan hệ hợp tác với Armenia của Nga như thế nào.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan tại sân bay Gyumri ngày 2/12. |
Bài báo cho biết, Armenia đặc biệt giữ bí mật thông tin ông Putin sẽ đến thăm quốc gia này. Mãi tới đêm 1/12, ngay trước thềm chuyến thăm của ông Putin, cảnh sát Armenia mới thông báo danh sách các đường phố trung tâm thủ đô Yerevan bị cấm đường và an ninh được tăng cường tối đa.
Thực tế có một bộ phận công chúng Armenia phản đối việc nước này gia nhập Liên minh Hải quan (TS), và chuyến thăm Yerevan của ông Putin là cơ hội tốt để họ trực tiếp "nói thẳng" điều đó với nhà lãnh đạo Nga. Họ phản đối việc đồng minh chiến lược của họ (nước Nga) trở thành "người giám hộ chính trị quá nhiệt tình". Thậm chí những người phản đối Armenia gia nhập TS còn thành lập một tổ chức với tên gọi "Xứng danh Tổ quốc" nhằm thúc đẩy các hoạt động vì mục tiêu trên. Tổ chức này xuất hiện sau khi Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan tuyên bố tạm ngừng việc ký hiệp định liên kết với Liên minh châu Âu (EU), thay vào đó sẽ tìm cách chấn hưng đất nước trong khuôn khổ TS. Ông Putin đến Armenia cũng là nhằm mục tiêu lôi kéo Yerevan khỏi vòng ảnh hưởng của EU.
Tuy nhiên, Giám đốc Viện Caucasus Alexander Iskandaryan, trong cuộc trả lời phỏng vấn "Báo Độc lập", cho rằng không nên bi kịch hóa tình hình, các hoạt động phản đối một số đường hướng đối ngoại của đất nước thời gian này thực chất cũng có thể coi là một phần không thể thiếu trong đời sống chính trị-xã hội của Armenia cũng như tại nhiều quốc gia khác. Và các hoạt động này hoàn toàn có thể trùng với thời gian giới lãnh đạo các quốc gia có thể tới thăm Yerevan. Đương nhiên "trọng tâm của các hoạt động phản đối" cũng có thể phụ thuộc vào vị lãnh đạo nào tới thăm đất nước.
Ông Iskandaryan cho biết, thực chất chuyến thăm của Tổng thống Nga đến Armenia lần này giống như một "đối trọng" với Hội nghị thượng đỉnh EU với các "Đối tác phương Đông" vừa diễn ra hồi cuối tháng 11 vừa qua tại thủ đô Vinius của Lithuania. Theo ông, sự xuất hiện của Tổng thống Putin tại Yerevan không thể coi là tình cờ. Thực chất nó khẳng định mức độ hợp tác chiến lược với Armenia mà Nga đang quan tâm.
Ông Iskandaryan cũng nhận định: "Cũng không phải là ngẫu nhiên khi chuyến thăm Armenia của ông Vladimir Putin không chỉ giới hạn ở Yerevan mà ông còn tới thăm Gyumri, nơi triển khai căn cứ quân sự số 102 của Nga". Nhà nghiên cứu này khẳng định: "Chuyến thăm của ông Putin chính là sự phản ánh chân thực nhất mối quan hệ Armenia-Nga".
Bài báo đặt câu hỏi các phương tiện truyền thông chờ đợi điều gì diễn ra trong khuôn khổ cuộc hội đàm giữa hai vị tổng thống, nơi ông Putin và ông Sargsyan thảo luận tiến trình hiện thực hóa các thỏa thuận, vốn đã đạt được trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Armenia tới Moskva hồi tháng 9 năm nay. Cụ thể đó là việc Armenia gia nhập TS (hiện có 3 thành viên là Nga, Belarus và Kazakhstan), và đây là điều kiện tiên quyết để Armenia có thể trở thành thành viên sáng lập của Liên minh Kinh tế Á-Âu.
Quế Anh