Mãi đến gần 9 giờ đêm, chúng tôi mới về lại được thị trấn Đồng Văn. Nhưng 6 giờ sáng hôm sau, anh Thào đã đập cửa, gọi chúng tôi đi xã Sủng Là. Anh Thào nói, lên Đồng Văn mà chưa biết đồng bào Mông đúc lưỡi cày như thế nào, thì coi như chưa tìm hiểu hết về Cao nguyên đá. Bởi chỉ trên vùng núi đá này, đồng bào Mông mới sáng chế, phát huy và gìn giữ được một “kỹ nghệ” đúc lưỡi cày độc nhất vô nhị. Chính từ những lưỡi cày độc đáo này mà đồng bào ở đây đã “bắt” đá phải nảy mầm. Chiếc lưỡi cày cũng gắn chặt với công cuộc xóa đói giảm nghèo trên Cao nguyên Đá.
Anh Thào bảo: “Ở Đồng Văn có dòng họ Mùa rất giỏi chế tác những lưỡi cày với hình dáng đặc biệt, chắc chắn, nó có thể trườn mình trên đá phục vụ cho công việc làm nương, rẫy trên vùng đất khó khăn. Cứ đến mùa xuân là các bễ than của họ Mùa lại đỏ lửa, bắt đầu một mùa đúc lưỡi cày mới”.
Chúng tôi đến nhà anh Mùa A Thào, một “nghệ nhân” đúc lưỡi cày ở xã Sủng Lả. Anh Thào cho biết, theo quan niệm của đồng bào Mông, mùa xuân mới là mùa đúc lưỡi cày, bởi đó là mùa bắt nhịp vào cuộc sống lao động, thể hiện sự sinh sôi nảy nở.
Những chiếc cày có thể “đánh võng” trên Cao nguyên Đá. |
“Hơn nữa, đúc lưỡi cày luôn gắn với việc thổi lửa. Lửa với chúng tôi luôn được coi trọng, nhất là mỗi khi khai xuân, lửa luôn đem lại mùa màng bội thu”, anh Thào tâm sự.
Câu chuyện với anh Thào đã vẽ lên trong chúng tôi những hình ảnh rất đẹp, nhưng cũng đầy gian khó của đồng bào trên cao nguyên đá Đồng Văn. Cả một vùng rộng lớn nhưng đa phần đá, chỉ có một phần rất nhỏ diện tích đất tự nhiên là có thể canh tác được. Nhưng oái ăm là đá lại xen lẫn trong đất. Để có thể canh tác trên đá, lưỡi cày ở đây được chế tác rất đặc biệt.
“Lưỡi cày của đồng bào Mông nhỏ và có mũi hơi cong một chút. Khi cày, nếu va vào đá thì người nông dân chỉ nâng nhẹ, hay lượn trái hoặc phải. Ngược lại, cày ở dưới xuôi thì to bản hơn, có đầu nhọn hoắt và cong gặp đá dễ mẻ lắm”, anh Thào cho biết.
Theo anh Thào, việc đúc lưỡi cày của đồng bào Mông cũng không khác gì cách đúc thông thường, cũng dùng lửa, nung chảy gang, thép đổ vào khuôn,… Nhưng quan trọng nhất là công đoạn tìm hiểu lưỡi cày đó sẽ cày ở khu vực nào. Theo cách ví của anh Thào thì một người thợ đúc lưỡi cày giỏi ở Đồng Văn phải là một người làm nông thực thụ, biết rõ từng diện tích đất nương trên Cao nguyên Đá của mình.
Đồng bào Cờ Lao ở Đồng Văn cần mẫn, tận dụng từng diện tích đất nhỏ trên Cao nguyên Đá. |
“Ở đây, mỗi diện tích đất canh tác lại có đặc điểm khác nhau, nơi đá dày, nơi đá thưa; nơi đá nông, nơi đất sâu. Vì thế, ngoài việc chọn loại thép tốt nhất, thì phải hiểu đất để đúc từng loại lưỡi cày cho phù hợp. Đó mới là cái khó”, anh Thào tâm đắc nói.
Anh Thào lấy cho chúng tôi xem một chiếc lưỡi cày mới đúc, hình dáng hoàn toàn khác hẳn lưỡi cày dưới xuôi, nhỏ và có mũi hơi cong. Đây chính là phương tiện “cơ giới hóa” và tiện lợi nhất của đồng bào trên Cao Nguyên đá.
Với chiếc cày đặc biệt và những đường cày trên Cao nguyên Đá không bao giờ thẳng hàng, thẳng lối, đồng bào ở Đồng Văn đã biến những “nương đá” lạnh lẽo thành những nương ngô, luống cải nuôi sống con người tự bao đời nay. Chính vì thế, đồng bào các dân tộc ở Đồng Văn rất trân trọng, giữ gìn phương tiện canh tác này. Khi năm cũ qua đi, năm mới về, đồng bào không quên dán tờ giấy bản vào chiếc lưỡi cày, thông báo cho nó nghỉ ngơi ăn Tết. Ra Giêng, chiếc cày lại cùng mọi người lên nương, chăm chỉ làm lụng cho một năm mùa màng bội thu.
Rời Đồng Văn, chúng tôi mang theo hình ảnh những người nông dân cầm cày bước sau những con bò trên những vách núi đá cheo leo. Cộng hưởng trong đó là hình ảnh dân tộc Cờ Lao đang cần mẫn trên đá để thoát nghèo.
Minh Phúc - Khánh Ly