Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục nói chung và sự nghiệp giáo dục dân tộc nói riêng tại các địa phương trong vùng Tây Bắc đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chế độ chính sách ưu tiên cho giáo dục vùng miền núi khó khăn được triển khai thực hiện, tỷ lệ huy động trẻ đến trường ngày càng cao.
Đặc biệt sau khi có Thông tư 24/2010/TT-BGDĐT ngày 2/8/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú thì quy mô mạng lưới tại các địa phương trong vùng ngày càng được tăng nhanh và phát triển.
Tăng đều cả chất và lượng
Theo báo cáo của 11/14 tỉnh trong vùng, năm học năm 2011 - 2012 mới có 249 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), 1.341 trường có học sinh bán trú (HSBT) với 81.006 HSBT. Năm học 2013 - 2014 số trường PTDTBT tăng nhanh so với năm học 2011 - 2012, toàn vùng hiện có 526 trường (tăng thêm 277 trường), 1.519 trường có HSBT với 180.831 học sinh (tăng 99.825 HSBT). Các tỉnh có nhiều trường PTDTBT là Hà Giang có 114 trường PTDTBT/393 trường của toàn tỉnh (chiếm 29%); Điện Biên 77/298 (25,8%); Lai Châu có 66/267 (24,7%); Lào Cai có 77/437 (17,6%)… Các tỉnh có số lượng trường cũng tăng nhanh như: Cao Bằng từ 5 trường lên 27 trường, Lạng Sơn từ 19 trường lên 78 trường, Sơn La từ 6 trường lên 40 trường…
Trường phổ thông dân tộc bán trú tạo cơ hội học tập cho trẻ em vùng khó khăn.Ảnh:Viết Tôn |
Điều này khẳng định sự phát triển quy mô mạng lưới trường, lớp PTDTBT ngày càng đòi hỏi mở rộng và phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu học tập cho con em đồng bào các dân tộc. Cùng với hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, hệ thống trường PTDTBT đã thực sự góp sức vào việc phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục miền núi, góp phần đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn các tỉnh vùng cao Tây Bắc.
Sau khi được thành lập, các trường PTDTBT trong vùng được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp và trang bị thiết bị, đồ dùng dạy học, nhà ở, bếp ăn, công trình nước sạch, nhà vệ sinh… đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập và sinh hoạt cho thầy và trò trong nhà trường.
Ngành giáo dục và đào tạo đã chủ động, tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội, các doanh nghiệp, nhân dân để huy động các nguồn lực xã hội ủng hộ, hỗ trợ cho các trường xây dựng, nâng cấp phòng ở, bếp ăn, công trình vệ sinh, lương thực, thực phẩm, các vật dụng sinh hoạt hàng ngày.
Các tỉnh căn cứ kế hoạch chỉ tiêu biên chế hàng năm, đã chủ động bố trí, bổ sung cán bộ, giáo viên, nhân viên cho các trường PTDTBT để đảm bảo đủ về cơ cấu, số lượng theo quy định tại Thông tư số 59/2008/TT-BGDĐT ngày 31/10/2008 của Bộ GD&ĐT. Đến nay, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ bản là đủ về số lượng. 100% cán bộ quản lý được tham gia tập huấn, bồi dưỡng về công tác tổ chức quản lý mô hình trường PTDTBT… Tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tâm huyết, nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm trong công việc.
Chú trọng tổ chức và quản lý đời sống cho HSBT, đảm bảo môi trường thân thiện, an toàn; giáo dục học sinh ý thức tự học, tự quản; tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, giáo dục nếp sống văn minh, tinh thần đoàn kết dân tộc, trang bị kiến thức về kỹ năng sống nội trú và sinh hoạt tập thể cho học sinh; xây dựng quy tắc ứng xử trong nhà trường; giáo dục tính kỷ luật, ý thức tự giác và tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường…
Từng bước chú ý tới biện pháp quản lý cho phù hợp với đối tượng học sinh, coi đổi mới phương pháp dạy học là then chốt trong việc nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động dạy học. Tổ chức thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số, đồng thời phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Quan tâm giảng dạy lồng ghép các nội dung giáo dục đặc thù như phát huy bảo tồn văn hóa dân tộc, tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, hướng nghiệp, dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh.
Vẫn còn nhiều thiếu thốn
Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho tổ chức hoạt động của trường PTDTBT và sinh hoạt của HSBT còn gặp nhiều khó khăn. Đa số trường còn thiếu nhiều hạng mục như: Phòng học bộ môn, thư viện, nhà nội trú, bếp ăn; hệ thống công trình nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh chiếm tỷ lệ thấp. Theo báo cáo của các tỉnh, nếu tính theo định mức quy định thì số phòng ở và các công trình phụ trợ hiện có mới đảm bảo được nhu cầu ăn, ở, sinh hoạt cho khoảng 60% học sinh, nhiều nơi bố trí học sinh ở quá chật chội, từ 20 - 30 học sinh/phòng, trong khi đó thiết kế xây dựng chỉ 8 - 10 học sinh/phòng.
Bên cạnh đó, trường PTDTBT là trường mới được thành lập theo Thông tư 24 nên nhiều giáo viên còn lúng túng trong thực hiện các hoạt động đặc thù, nhất là giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ chưa thành thạo tiếng dân tộc như yêu cầu. Đây là rào cản rất lớn trong việc thực hiện các hoạt động toàn diện trong trường PTDTBT và trường có học sinh dân tộc bán trú; ở hầu hết các trường, biên chế nhân viên chưa đảm bảo đủ theo định mức trường chuyên biệt, cơ bản các trường mới đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định, thiếu nhân viên y tế, cấp dưỡng.
Nhiều địa phương phản ánh mức chi trả tiền công cho nhân viên cấp dưỡng bằng 1,0 mức lương tối thiểu nên người lao động chưa yên tâm làm việc, thậm chí có nơi không thuê khoán được lao động. Do đó để có thể nấu ăn tập trung cho học sinh, nhiều trường phải huy động sự đóng góp, ủng hộ của nhân dân địa phương, của các tổ chức xã hội.
Có thể nói, đối với vùng Tây Bắc, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn thì việc xây dựng, phát triển các trường PTDTBT là rất cần thiết, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hiệu quả của công tác huy động học sinh đã chứng minh vai trò, ý nghĩa quan trọng của loại hình trường PTDTBT trong việc tăng quy mô học sinh, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả đào tạo, công tác xóa mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục THCS, nâng cao dân trí vùng đồng bào dân tộc và vùng đặc biệt khó khăn. Nhưng việc thiếu thốn về cơ sở vật chất sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy, học, quản lý và tổ chức đời sống cho các em học sinh. Điều này đòi hỏi Trung ương, các cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội tiếp tục giành sự quan tâm thỏa đáng cho HSBT và trường PTDTBT.
Nông Bích Hà,Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Xã hội, Ban Chỉ đạo Tây Bắc