Khách hàng giao dịch tại SHB chi nhánh Sóc Trăng. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Từ nay tới cuối năm có những cơ sở để giảm mặt bằng lãi suất cho vay như: Thứ nhất, thanh khoản hệ thống đang khá dồi dào, có thể đảm bảo được nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế trong năm 2016. Bên cạnh đó, cơ cấu tín dụng đang chuyển dịch tập trung cho 5 lĩnh vực ưu tiên, phù hợp với chủ trương của Chính phủ.
Thứ hai, lãi suất Trái phiếu Chính phủ tiếp tục giảm ở các kỳ hạn. Việc phát hành trái phiếu Chính phủ đã đạt 85% kế hoạch năm (phát hành 250 nghìn tỷ đồng) sẽ giảm thiểu gây áp lực tăng lãi suất; thứ ba, lạm phát tăng so với năm trước nhưng dự báo cả năm vẫn ở mức thấp (3,5- 4%).
Thứ tư, tỷ giá và thị trường ngoại hối từ đầu năm vẫn khá ổn định. Dự báo tỷ giá cuối năm chỉ dao động trong khoảng kỳ vọng (3%); thứ năm, lợi nhuận 6 tháng đầu năm các ngân hàng thương mại tương đối khả quan, tạo dư địa cho việc xử lý nợ xấu và tiết giảm chi phí hoạt động của hệ thống.
Báo cáo của NFSC cho biết chỉ số CPI hàng tháng so với cùng kỳ đã liên tục tăng kể từ tháng 11/2015, tuy nhiên đã dừng tăng trong tháng 7/2016 (tháng 7/2016 tăng 2,39%; tháng 6/2016 tăng 2,4%). Trong khi đó, lạm phát cơ bản (lạm phát loại trừ lương thực - thực phẩm; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) vẫn duy trì ổn định ở mức dưới 2%.
Qua phân tích của các chuyên gia UBGSTC Quốc gia, CPI tháng 7/2016 tăng 2,48% so với đầu năm chủ yếu là do tăng giá dịch vụ công như y tế, giáo dục, chiếm 56% trong tổng mức tăng; nhóm lương thực và thực phẩm chiếm lần lượt là 3,9% và 22,1% vào mức tăng chung CPI kể từ đầu năm.
Tổng hợp các nhân tố đó, NFSC nhận định, lạm phát cơ bản năm 2016 sẽ chỉ khoảng 2% (tăng nhẹ so với mức 1,7% của năm 2015). Nếu chưa tính tới tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục trong 6 tháng cuối năm, lạm phát cả năm 2016 sẽ ở khoảng 3,5- 4%.
Trong tháng 7, hệ thống thanh khoản của hệ thống ngân hàng ở mức dồi dào. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng qua đêm tính đến 18/7 là 1,11%, giảm 0,14 điểm % so với tháng 6. Đây là mức lãi suất qua đêm thấp nhất trong nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, tình hình huy động tăng cao so với cùng kỳ (tính đến cuối tháng 6 tăng 10,2% so với đầu năm; cùng kỳ 2015: tăng 6%), trong khi tín dụng chỉ tăng ở mức tương đương (tính đến 30/6/2015; tăng trưởng tín dụng đạt 8,16% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm 2015 là 7,86%); cung tiền tăng khá mạnh (tính đến 31/5/2016, M2 tăng 6,77% so với cuối năm 2015; cùng kỳ 2015: tăng 3,8%) do Ngân hàng Nhà nước đã bơm vào hệ thống khoảng 180.000 tỷ đồng thông qua việc mua ngoại tệ, trong khi tính đến 22/7/2016 hút ròng khoảng 116.000 tỷ đồng.
Đề cập về dự báo tỷ giá những tháng cuối năm 2016, báo cáo UBGSTC Quốc gia nhận định: Sẽ dao động trong khoảng kỳ vọng, song vẫn còn một số yếu tố bất định cần được theo dõi, trong đó những diễn biến khó lường của thị trường tài chính quốc tế sẽ là nhân tố ảnh hưởng lớn nhất tới tỷ giá USD/VND bởi tác động ngắn hạn từ Brexit sẽ có thể dẫn đến sự biến động của các đồng tiền chủ chốt như EUR, GBP và NDT.
Đồng USD sẽ tăng giá khiến cho đồng nội tệ các nước mới nổi Châu Á tiếp tục mất giá. Trong trường hợp Trung Quốc giảm giá đồng nội tệ để tăng sức cạnh tranh sang thị trường Châu Âu, sẽ tạo áp lực lớn lên tỷ giá USD/VND. Ngoài ra, yếu tố trong nước như nhu cầu thanh toán ngoại tệ tăng cao vào cuối năm cũng sẽ tác động nhất định lên tỷ giá.
Tính đến ngày 25/07/2016, tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng nhẹ 0,7% so với đầu tháng 7 (dao động trong khoảng 22.300 – 22.350 VND/USD).