Có hay không việc “ém” vắcxin Pentaxim để trục lợi?

Tình trạng người dân “canh” đăng ký tiêm vắc xin dịch vụ Pentaxim (5 trong 1) thông qua mạng rất vất vả mà khó thành công do hay nghẽn mạng, chỉ trong tích tắc đã nhận được thông báo hết sạch phiếu đăng ký. Trong khi đó, một số người dân lại mua được vắcxin này ở ngoài thị trường với giá cao gấp 3 - 5 lần. Vậy có hay không việc “ém” vắcxin Pentaxim rồi “tuồn” ra thị trường bán trục lợi?

“Săn” vắcxin như đi đánh trận

Suốt mấy tháng nay, vợ chồng anh Lê Kiên Trung, phố Hàng Bè, Hà Nội, như “ngồi trên đống lửa” vì lo tìm vắcxin Pentaxim cho bé Lê Hà An. Anh Lê Kiên Trung cho biết: “Bé nhà tôi sinh tháng 9/2015 nên cần tiêm vắcxin 5 trong 1 khi được 2 tháng tuổi trở lên. Mũi đầu tiên, tôi đưa cháu đi tiêm vắcxin Quinvaxem trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR), nhưng khi về, bé sốt trên 390C suốt 2 ngày, sau đó còn viêm mũi và ốm thêm mấy hôm. Lo sợ tiêm mũi 2 vắcxin Quinvaxem cháu sẽ bị phản ứng nặng hơn, nên gia đình quyết tâm tiêm vắcxin Pentaxim cho cháu”.

Quảng cáo nhận đăng ký Pentaxim qua mạng tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương với giá 350 ngàn đồng/phiếu thành công.

Anh Trung cho biết luôn phải ngóng thông tin tổ chức tiêm vắcxin của các điểm tiêm chủng dịch vụ. Mỗi khi có thông báo của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, đường Nguyễn Chí Thanh hay Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật và y tế dự phòng thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (VSDTTW), 131 Lò Đúc…. lại vội vàng nhờ thêm anh, chị em để cùng vào mạng, những mong đăng ký được một mũi vắcxin.

“Sáng 29/3, như thông báo của Viện VSDTTW, đúng 9 giờ, tôi vào mạng để đăng ký vắcxin Pentaxim. Trước đó, tôi đã nhờ thêm 3 người thân phụ giúp. Sau khi “click” chuột liên tục, tôi cũng vào được mạng nhưng chỉ trong tích tắc đã nhận được thông báo “hết phiếu”. Tôi không hiểu sao phải đăng ký đến 3 bước mà chỉ trong 2 phút đã có đến 2.500 phiếu đã đăng ký thành công??? Thấy tôi quá vất vả, một người quen “mách nước” đã mua được Pentaxim với giá 3,5 triệu đồng/mũi. Do đó, tôi rất băn khoăn về việc vắcxin có thể được đưa ra thị trường, họa hoằn thì người dân mới đăng ký qua mạng thành công”, anh Trung bức xúc nói.

Cùng chung tâm trạng, chị Nguyễn Minh Phương,phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, tâm sự: “Quá khổ, đăng ký vắcxin dịch vụ Pentaxim khổ như đi đánh trận mà vẫn không được”.

Theo chị Minh Phương, thông tin trẻ tử vong hoặc bị sốt cao sau tiêm vắcxin Quinvaxem khiến chị rất lo ngại, không dám đưa bé Nguyễn Minh Hà, 3,5 tháng tuổi, đi tiêm vắcxin trong TCMR. Vậy nên, suốt 3 tháng nay, chị đôn đáo khắp nơi để tìm “mối” mua vắcxin dịch vụ cho con.

Giữa tháng 3/2016, biết tin Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội tổ chức đăng ký vắcxin Pentaxim, chị Phương mừng húm, bèn “bày binh bố trận”, nhờ thêm cả 5 người bạn giỏi IT, để đúng giờ G cùng vào mạng đăng ký vắcxin. Thế nhưng, kết quả, người thì bị nghẽn mạng, người vào được thì lại nhận được thông báo “Đã hết phiếu…” chỉ sau 15 phút mở màn.

Nhiều người ngỡ ngàng vì chỉ trong 2 phút mở màn, 2.500 liều vắcxin Pentaxim đã nhanh chóng được đăng ký hết.

Gần đây nhất, sáng 29/3, chị Phương tiếp tục nhờ mấy người quen vào mạng của Viện VSDTTW để đăng ký vắcxin Pentaxim. Thế rồi, chỉ sau 2 phút, chị Phương nhận được thông báo tương tự như lần trước.

“Một người quen của tôi tư vấn biết mối mua vắcxin Pentaxim với giá 2,7 triệu đồng/mũi. Nếu đồng ý, nhân viên y tế đến tận nhà để tiêm. Tuy nhiên, tôi rất băn khoăn về chất lượng của vắcxin này, không rõ đó là vắcxin được “tuồn ra| từ các điểm tiêm chủng có thương hiệu hay là hàng “xách tay”, chị Minh Phương cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tin Tức, không chỉ riêng anh Kiên Trung hay chị Minh Phương mà trên các diễn đàn xã hội, rất nhiều bà mẹ có chung nỗi lo, nỗi bức xúc xung quanh vấn đề khó đăng ký vắcxin Pentaxim qua mạng. Đặc biệt, trước thông tin rao bán vắc xin với giá từ 2 - 3 triệu đồng/mũi tiêm, nhiều bà mẹ không khỏi nghi vấn về việc các điểm tiêm chủng vẫn “ém” vắcxin hoặc nhân viên y tế vẫn có cách riêng để đưa vắcxin ra ngoài bán trục lợi.

Cơ quan chức năng nói gì?

Sáng 30/3, trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện VSDTTW, đơn vị quản lý Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật và y tế dự phòng, khẳng định: “Việc đăng ký vắcxin Pentaxim qua mạng được thực hiện minh bạch, hoàn toàn không có chuyện Trung tâm “ém” vắcxin và bán ra ngoài thị trường. Cán bộ công nhân viên của chúng tôi muốn đăng ký vắcxin cho con, em cũng phải đăng ký như mọi người dân khác, không hề có sự ưu ái nào. VSDTTW đã hợp đồng với Công ty Nam Việt để tổ chức triển khai việc đăng ký vắc xin qua mạng. Đơn vị công nghệ truyền thông chịu trách nhiệm về đường truyền, thống kê chính xác số lượt truy cập và lập danh sách số phiếu đăng ký thành công, sau đó Viện sẽ cung ứng và tổ chức tiêm chủng vắcxin đảm bảo an toàn và đúng đối tượng theo danh sách niêm yết ”.

Theo ông Trần Khánh Nhã, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật, Công ty Nam Việt, sở dĩ trong 2 đợt đăng ký vắcxin trước đó của Viện VSDTTW bị nghẽn mạng cục bộ là do lượt quy cập nhiều hơn dự kiến. Để tránh tái diễn, Công ty Nam Việt đã nâng cấp hệ thống máy chủ và băng thông đường truyền tốt hơn. Vì vậy, trong đợt đăng ký lần thứ 4, vào sáng 29/3, 40.000 người vẫn có thể đồng thời truy cập và chỉ trong 2 phút thì 2.500 liều vắcxin đã được đăng ký hết.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật và y tế dự phòng, cũng cho biết: Tổng kết qua 4 lần tổ chức cho thấy, mỗi đợt tổ chức đăng ký vắcxin qua mạng có khoảng 2 triệu lượt truy cập. Do đó, có thể xảy ra nghẽn mạng khi nhiều khách hàng truy cập cùng một thời điểm và số phiếu đăng ký thành công chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu. Chưa kể, không ít gia đình huy động nhiều người đăng ký, gây ra hiện tượng phiếu thành công ảo: Người không đăng ký được nhưng lại có người đăng ký được 2 - 3 phiếu (sau đó, chỉ sử dụng được 1 phiếu).

Vậy vắcxin được rao bán trên thị trường có nguồn gốc ở đâu? Ông Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ: “Chúng tôi rất mong muốn cơ quan điều tra làm rõ nguồn gốc của số vắcxin đó. Vắcxin là một mặt hàng đặc biệt, phải được bảo quản trong điều kiện khắt khe và được sử dụng bởi những cán bộ y tế có chuyên môn, đã qua tập huấn để tuân thủ đầy đủ các quy trình của Bộ Y tế. Do đó, vắcxin chỉ được phân phối cho những cơ sở y tế có đủ điều kiện theo quy định chứ không được cung ứng cho tư nhân. Người dân tuyệt đối không nên sử dụng vắcxin chưa rõ nguồn gốc, nhất là không nên tiêm tại nhà. Chưa nói đến việc chất lượng vắcxin không đảm bảo, nguy cơ xảy sự cố trong quá trình tiêm tại nhà là hoàn toàn có thể, thậm chí có thể dẫn đến tử vong”.

“Các bậc cha mẹ không nên quá trông chờ vào vắcxin dịch vụ. Do phụ thuộc vào nhà sản xuất nên ngay các điểm tiêm chủng cũng không biết chính xác số lượng vắcxin Pentaxim sẽ được nhập về trong thời gian tới. Nếu cứ chờ đợi, bỏ qua vắcxin Quinvaxem trong TCMR thì rất có thể con trẻ sẽ mắc phải các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trước khi được tiêm vắcxin dịch vụ”. 

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật và y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương


Phương Liên
Hà Nội: Số lượt đăng ký tiêm vắc xin Pentaxim nhiều gấp hơn 30 lần
Hà Nội: Số lượt đăng ký tiêm vắc xin Pentaxim nhiều gấp hơn 30 lần

Kết quả đăng ký tiêm chủng vắc xin Pentaxim qua mạng lần 3 đã chính thức đóng lại vào lúc 10 giờ 28 phút 00 giây ngày 17/3/2016 với tổng số liều vắc xin đã nhận đủ là 3.080 số thứ tự đăng ký.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN