Cộng đồng ASEAN sẽ chính thức thành lập vào ngày 31/12/2015. Khi tham gia Cộng đồng ASEAN, Việt Nam sẽ được hưởng những lợi ích gì? Người dân và các doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện ra sao? Đó là băn khoăn mà người dân gửi tới Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trong chuyên mục “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời”, trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác.
Người dân được hưởng lợi
Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết: Các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí lấy ngày 31/12/2015 là mốc hình thành Cộng đồng ASEAN. Quyết định này phù hợp với Hiến chương ASEAN, trong đó nêu rõ: Xây dựng Cộng đồng ASEAN “gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và cùng chia sẻ các trách nhiệm xã hội” vào năm 2015.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh, cho biết: Khi cộng đồng ASEAN thành hiện thực, người dân các nước ASEAN được hưởng các lợi ích chung từ những thành quả hợp tác trong các lĩnh vực chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Trước mắt có thể thấy một số lợi ích cụ thể, đó là: Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, từ đó tạo môi trường phát triển thuận lợi cho tất cả các quốc gia thành viên. Người dân sẽ có cơ hội sống trong hòa bình, hữu nghị, đùm bọc lẫn nhau, hỗ trợ, thân ái với nhau vì sự phát triển và thịnh vượng chung của khu vực.
Các doanh nghiệp có thể tăng 5,3% thu nhập thực tế từ việc tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN. |
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng cho biết: Với việc hợp tác phát triển nguồn nhân lực, sẽ hướng tới hài hòa hóa các tiêu chuẩn về công nhận bằng cấp trong giáo dục cũng như kỹ năng nghề giữa các nước ASEAN, tạo điều kiện cho người dân, nhất là lao động có tay nghề, tự do di chuyển và tìm cơ hội việc làm thuận lợi hơn trong khu vực. Hiện ASEAN đang triển khai thí điểm việc công nhận bằng cấp, tín chỉ trong mạng các trường đại học ASEAN - AUN, sau đó sẽ mở rộng dần. Tại Việt Nam, hiện có trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Cần Thơ tham gia AUN. Hình thức chủ yếu là công nhận tín chỉ. “Do mặt bằng giáo dục - đào tạo tại các nước ASEAN hiện nay chưa đồng nhất, nên còn một số khó khăn trong công nhận bằng cấp, chứng chỉ giữa các nước. Đây là vấn đề được ưu tiên và đang được các nước thành viên ASEAN nỗ lực thúc đẩy”, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết.
Về văn hóa - xã hội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, cho biết: Việc hợp tác về quyền của người di cư, quyền của phụ nữ, trẻ em sẽ góp phần đảm bảo quyền của nhóm đối tượng đặc thù này. Hợp tác về y tế, nhất là trong phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS… giúp người dân được bảo vệ tốt hơn trước nguy cơ dịch bệnh lây lan; hợp tác về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý thiên nhiên và ứng phó khẩn cấp sẽ giúp các thành viên nâng cao khả năng và năng lực thích nghi và giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, ứng phó nhanh và hiệu quả hơn với thiên tai trong khu vực, bảo vệ và hỗ trợ kịp thời cho người dân trong tình huống thảm họa…
Doanh nghiệp được ra “biển lớn”
Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định: Cộng đồng ASEAN ra đời mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp các nước ASEAN nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng trao đổi thương mại, thu hút đầu tư dựa trên lợi thế của một không gian thị trường mở; các rào cản thuế quan, phi thuế quan được tháo gỡ, sẽ giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, cắt giảm chi phí nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm…
Cùng với những thuận lợi, nhưng cũng có nhiều cảnh báo đối với các doanh nghiệp Việt Nam về những thách thức không nhỏ khi Cộng đồng ASEAN bắt đầu có hiệu lực. Trong đó, đáng chú ý là sức ép từ hàng hóa nhập khẩu, cạnh tranh về dịch vụ, đầu tư của các nước ASEAN dẫn đến một số ngành, sản phẩm phải thu hẹp sản xuất, thậm chí rút khỏi thị trường. |
ASEAN cũng đang thúc đẩy việc thành lập thẻ doanh nhân ASEAN, cổng xuất cảnh ASEAN tại các cửa khẩu… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giới doanh nhân và người dân ASEAN di chuyển dễ dàng hơn trong khu vực. Việc thực hiện đầy đủ AEC và các hiệp định FTA ASEAN+1 vào năm 2018 sẽ giúp các nước ASEAN tăng thu nhập quốc dân thêm 4,5% so với năm 2007, tạo việc làm, giúp lương của người lao động giản đơn tăng hơn 7,6%, riêng lương của lao động lành nghề có thể tăng tới 9,6%.
“Các doanh nghiệp còn có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn với các đối tác như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia… thông qua các thỏa thuận Khu vực thương mại tự do (FTAs) riêng rẽ giữa ASEAN với các đối tác kinh tế lớn, cũng như nỗ lực xây dựng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP. Từ đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực”, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết.
Trọng Thủy