Có nên thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia?

Ngày 29/10 Báo Tin Tức đã đưa tin phản ánh về “Thiệt hại nặng vì sàn vàng trên mạng”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng có cầu ắt có cung, vì thế để sàn vàng “chui” không có đất sống, rất nên thành lập Sở giao dịch vàng.


Mới đây, hàng loạt sàn vàng “chui” đã bị đánh sập, nhưng theo Bộ Công an, vẫn còn khoảng 30 sàng vàng “chui” khác đang hoạt động và thu hút rất nhiều người chơi. Ngày 29/10 Báo Tin Tức đã đưa tin phản ánh về “Thiệt hại nặng vì sàn vàng trên mạng” cảnh báo tình trạng này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng để có cầu ắt có cung, vì thế để sàn vàng “chui” không có đất sống, rất nên thành lập Sở giao dịch vàng.


Trao đổi với PV Tin Tức về vấn đề này, TS Bùi Quang Tín, ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc thành lập sàn vàng là cần thiết, nhưng không phải là các sàn vàng của các ngân hàng thương mại hay các doanh nghiệp lớn như thời gian vừa qua, mà nên cho thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia. Bởi vì, khi quá trình hội nhập ngày càng diễn ra sâu rộng và nhà nước luôn có mong muốn dẹp bỏ các sàn vàng phi chính thức, đồng thời nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thực của nhà đầu tư trong việc đa dạng hoá các kênh đầu tư, việc thành lập sàn vàng trong điều kiện hiện nay là hoàn toàn phù hợp.

Hơn 1.000 nhà đầu tư mất trắng sau khi tham gia vào sàn vàng BBG trái phép. (Ảnh Yến Trang)



Theo TS Tín, trước đây đầu tư vàng là một kênh đầu tư khá hiệu quả nên thu hút rất đông nhà đầu tư. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho hàng loạt sàn vàng ra đời, kể cả sàn vàng chính thức và sàn phi chính thức. Tuy nhiên do cách làm chưa chuyên nghiệp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với nhà đầu tư nên Chính phủ đã quyết định dừng hoạt động của các sàn vàng. Vì thiếu hình thức đầu tư qua “sàn” chính thức nên các nhà đầu tư của Việt Nam hiện nay chủ yếu đầu tư vàng vật chất và thông qua sàn vàng phi chính thức. Trong những thời điểm giá vàng biến động mạnh, thị trường vàng vật chất thường có sự chênh lệch khá lớn so với giá vàng thế giới tính theo tỷ giá quy đổi, gây thiệt hại cho nhà đầu tư; hay khi đầu tư thông qua sàn vàng phi chính thức thì nhà đầu tư sẽ không được pháp luật bảo vệ quyền và nghĩa vụ của họ trong các giao dịch với các loại sàn này.


Vì vậy, TS Tín cho rằng cần có Sở giao dịch vàng quốc gia để cơ quan quản lý có thể thực hiện, giám sát thị trường cũng như tạo ra một kênh đầu tư an toàn, hiệu quả. Ngoài ra, khi Sở giao dịch vàng quốc gia thuộc sở hữu nhà nước được thành lập dưới dạng Cty TNHH một thành viên nhà nước với mặt hàng đặc biệt là vàng, thì đây sẽ là đầu mối giao dịch vàng tập trung và chính thức của cả nước. Như vậy, Sở giao dịch vàng quốc gia sẽ hình thành một thị trường chung, không chỉ tạo ra một kênh đầu tư tốt đối với các nhà đầu tư mà còn thu hút được sự tham gia của các ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng có uy tín.


TS Tín đề xuất, Chính phủ nên xây dựng hệ thống quy định về giao dịch, hệ thống thanh toán cũng như các vấn đề về lưu trữ, vận chuyển và đảm bảo chất lượng vàng. Các vấn đề về quản lý rủi ro, đảm bảo minh bạch trên thị trường cần được quy định rõ ràng và chuyên nghiệp hơn. Sở giao dịch vàng quốc gia sẽ vận hành trong mối quan hệ tổng hợp với các chủ thể là cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp, nhà đầu tư cá nhân, do đó sẽ gắn kết chặt chẽ hơn thị trường vàng với hệ thống tài chính. Thông qua đó, Sở giao dịch vàng cũng sẽ huy động được một lượng vàng vật chất rất lớn trong dân, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước và hạn chế được tâm lý tích trữ vàng vật chất.


“Đây mới là đề xuất ban đầu, nếu được Chính phủ chấp thuận thì việc hiện thực ý tưởng này cần phải có sự nghiên cứu kỹ lượng và lựa chọn mô hình sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam”, TS Tín nói. Cũng theo TS Tín, trên thế giới hiện nay có rất nhiều công cụ phái sinh được áp dụng, chẳng hạn như hedging (mua một hợp đồng này và bán một hợp đồng khác); nghiệp vụ giao dịch kỳ hạn (Forward); quyền chọn (Option), ... bên cạnh đó là các công cụ bảo hiểm rủi ro. Thực tế cho thấy, tại các quốc gia có sở giao dịch vàng, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế chỉ khoảng 1 - 2 USD/ounce. Trong khi đó, các ngân hàng đại lý lại có thể thực hiện hoán đổi vàng lấy ngoại tệ thông qua các nghiệp vụ phái sinh. Với nghiệp vụ này, rủi ro sẽ được kiểm soát, đồng thời có thể sinh lời để góp phần trả lãi gửi vàng cho người dân. Có như vậy, thì mới huy động có hiệu quả nguồn vàng trong dân phục vụ cho mục tiêu dài hạn, phát triển kinh tế - xã hội và tránh việc đầu tư vào các sàn vàng “chui” như hiện nay.




Hải Yên (Tin tức)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN