Với dự báo năm 2013 sẽ tiếp tục khó khăn, nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng nhà đầu tư (NĐT) không nên quá lạc quan vào thị trường. Tuy nhiên, vẫn có những nhóm ngành sẽ vượt qua thách thức của nền kinh tế, tiếp tục trụ vững và phát triển như gas, cao su, thực phẩm ăn uống, tiêu dùng... Đây được xem là những nhóm ngành có tiềm năng nhất trong năm 2013.
Cổ phiếu ngân hàng, bất động sản chưa “sáng”
Nhiều thông tin đưa ra sẽ có biện pháp “giải cứu” thị trường bất động sản (BĐS) trong năm 2013, đồng thời kiên quyết xử lý nợ xấu trong ngành ngân hàng (NH). Theo đó từ cuối năm 2012 đến nay đã có những đợt tăng giá cổ phiếu khá mạnh của nhóm ngành này, trung bình 20-30%, gấp nhiều lần mức độ tăng của Index. Nguyên nhân, do nhiều NĐT kỳ vọng năm 2013 sẽ là năm trở lại của các cổ phiếu (CP) BĐS, NH.
Nhóm ngành thực phẩm tiêu dùng ít bị ảnh hưởng khi nền kinh tế biến động nhất. |
Tuy nhiên, theo ông Lê Chí Phúc, Giám đốc quỹ đầu tư SGI, nhiều doanh nghiệp (DN) BĐS đã được ngân hàng kéo dài thời hạn trả gốc và lãi vay, thậm chí bơm thêm vốn để hoàn thiện công trình, nên CP của các DN này đang được thị trường định giá lại từ mức khả năng phá sản cao lên mức sẽ không phá sản nữa.
Thế nhưng, DN trong ngành này vẫn đang phải đối mặt với thực tế là giá vốn của hàng tồn kho hầu hết đã cao hơn mức giá thị trường có thể giao dịch, trong khi nợ vay gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu.
Vì vậy, DN BĐS sẽ có kết quả kinh doanh khá tiêu cực trong 1-2 năm tới, cụ thể là không bán được hàng như năm 2012 hoặc bán được hàng thì lợi nhuận âm và dòng tiền thu về sẽ dành hết trả nợ NH.
Đồng tình quan điểm này, ông Lê Đình Minh Phương - Trưởng phòng Phân tích của Công ty chứng khoán (CTCK) KIS Việt Nam, cũng cho rằng, CP BĐS có khuynh hướng dao động theo biến động của nền kinh tế và thường chỉ có chuyển biến tốt vài tháng trước khi nền kinh tế thoát khỏi suy thoái. Tương tự là nhóm CP ngân hàng, diễn biến của ngành này sẽ phụ thuộc nhiều vào hiệu quả việc xử lý nợ xấu và đây là tiến trình dài hạn chứ không thể xử lý trong vài tháng hoặc một năm. Do đó, đầu tư vào CP BĐS, CP NH trong năm 2013 chỉ thích hợp với các NĐT trung và dài hạn.
Trước tình hình trên, nhiều chuyên gia khuyến cáo các NĐT nên thận trọng với CP BĐS và NH trong năm nay do mức độ nợ xấu vẫn chưa được đánh giá đầy đủ. Thực tế, phần lớn nợ xấu của NH đều liên quan đến BĐS và một khi nợ xấu chưa được giải quyết triệt để, nguồn vốn của BĐS vẫn còn khó khăn thì NĐT chưa nên lạc quan vào các nhóm ngành này.
Tiềm năng CP thực phẩm, tiêu dùng
Cũng theo ông Lê Đình Minh Phương, trong năm 2013 CP ngành thực phẩm, tiêu dùng được đánh giá tiềm năng nhất. Thống kê CP ngành thực phẩm, tiêu dùng cho thấy đây là nhóm duy nhất duy trì mức tăng trưởng trong 2 năm (2011 - 2012) với mức tăng lần lượt 28% và 29%.
Bà Tôn Minh Phương, Trưởng phòng phân tích CTCK Bản Việt, cho biết sở dĩ được đánh giá tiềm năng vì nhóm ngành thực phẩm, thức uống ít bị ảnh hưởng khi nền kinh tế biến động xấu do đây là mặt hàng thiết yếu. Diễn biến này được minh chứng trong năm 2012 khi CP nhóm ngành này giảm ở đầu năm, thời điểm thị trường tăng nóng, nhưng vẫn đi ngược xu hướng của thị trường trong cả năm với mức tăng 45% so với VN - Index.
Ngoài ra, sản xuất thực phẩm còn là ngành đang được hưởng lợi từ việc chi phí đầu vào giảm. Vì vậy, CP của nhóm ngành này sẽ có cơ hội đầu tư hấp dẫn trong năm 2013. Hiện nay, có 15 công ty thực phẩm, thức uống niêm yết trên TTCK với tổng giá trị vốn hóa là 84.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, CP ngành thực phẩm chỉ thích hợp cho các NĐT dài hạn do biến động giá trong ngắn hạn rất nhỏ.
Tương tự, CP cao su tự nhiên cũng là mặt hàng đáng để xem xét, bởi đặc thù mô hình kinh doanh giàu tiền mặt và hiện giá cao su tự nhiên đã chạm đáy, do đó sẽ sớm hồi phục cùng với chu kỳ của kinh tế trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thanh khoản ở nhóm ngành này là khá thấp nhưng trong năm 2013 ngành cao su có thể thu lợi từ việc xuất khẩu mủ cao su. Cơ cấu nợ của ngành này lại khá ít nên hiện tại khá an toàn.
Ở nhóm ngành gas, trong năm 2012, cổ phiếu ngành này khá ổn định và có nhiều thuận lợi do là nguyên liệu thiết yếu trên thị trường và nhu cầu ngày càng tăng. Hai công ty được cho là khá tốt trong thời điểm này là GAS và CNG. Các công ty ở Việt Nam, GAS là độc quyền phân phối sản phẩm thông qua các công ty con CNG, PGD, PGS và PVG. Theo đánh giá của các công ty chứng khoán, năm 2013 doanh thu lợi nhuận của ngành gas rất ổn định, NĐT nên đầu tư dài hạn.
Tuy nhiên, ông Lê Đình Minh Phương cũng cho rằng, dù các ngành này được đánh giá tiềm năng nhưng quan trọng nhất NĐT phải có sự chọn lọc với những DN có nền tảng cơ bản tốt và CP đó phải được NĐT nước ngoài quan tâm. Có như thế, CP đó mới tạo nên động lực tăng giá.
Bài và ảnh: Hải Yên