Mèo Vạc là huyện xa nhất của tỉnh Hà Giang, nằm ở điểm cuối cùng quốc lộ 4C và cũng là huyện biên giới đặc biệt khó khăn. Vì vậy, ngoài việc thường xuyên vun đắp tình đoàn kết keo sơn của 16 dân tộc trên địa bàn, giữ vững “phên giậu” của Tổ quốc, vùng địa đầu cực Bắc này đã và đang “tự thân vận động”, tận dụng mọi thời cơ để nỗ lực thoát nghèo.
Nước cho cao nguyên đá
Với độ cao trung bình từ 1.000 – 1.600m, huyện Mèo Vạc nằm cheo leo trên khu vực núi đá vôi. Nơi đây địa hình có độ dốc khá lớn, thung lũng và sông suối bị chia cắt, núi đá chiếm hơn 70% tổng diện tích.
Do mùa khô hanh chiếm hơn 2/3 thời gian trong năm nên nguồn nước ở đây cực kỳ khan hiếm. Vì vậy, theo Bí thư Huyện ủy Sùng Minh Sinh: Việc giải "cơn khát" tại cao nguyên đá là vấn đề trăn trở nhất của Đảng bộ huyện.
Công tác khảo sát và quy hoạch các nguồn nước, gắn với việc triển khai trồng rừng và bảo vệ rừng nhằm đảm bảo cho việc cung cấp nước bền vững luôn được Mèo Vạc đặt lên hàng đầu.
Đồng Văn đã xây được hàng chục hồ treo phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt. Ảnh: Thanh Hà – TTXVN |
Thời gian qua, Mèo Vạc đã kiên trì thực hiện phương án kết hợp xây dựng hồ treo và hệ thống cấp nước tập trung gắn với việc thực hiện quy hoạch dân cư. Đến nay Mèo Vạc đã xây dựng được 1.600 bể nước hộ gia đình, 50 công trình cấp nước tập trung và 15 hồ treo có dung tích bình quân trên 5.000 - 8.000m3 nước.
Chương trình nước sạch nông thôn cũng đã hoàn thiện công trình cấp nước Phố Mỳ; hệ thống nước Sảng Pả A; cải tạo, nâng cấp hệ thống cung cấp nước đầu nguồn Tò Đú và mở rộng phạm vi cung cấp nước ăn tại thị trấn Mèo Vạc.
Riêng xã Pả Vi đã có giếng khoan phục vụ 80% nước sinh hoạt cho đồng bào. Theo quy hoạch đến năm 2012, các khu dân cư nằm trong quy hoạch sẽ có hệ thống cấp nước tập trung đến trung tâm xóm bản. Riêng trung tâm thị trấn Mèo Vạc sẽ triển khai thực hiện quy hoạch hệ thống cung cấp nước sinh hoạt đảm bảo tiêu chuẩn đô thị hoàn thiện vào năm 2011, với 100% hộ gia đình có hệ thống cung cấp nước đến tận nhà.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Sùng Mí Thề thì: “Hồ treo nước Tả Lủng là một trong những hồ treo độc đáo và lớn nhất của tỉnh Hà Giang. Trong tương lai, khi xây dựng xong 2 nhà máy thủy điện Nho Quế 3 và Nho Quế 1, đồng bào Mèo Vạc sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, không lo thiếu điện như bây giờ nữa. Thủy điện còn hình thành hồ chứa nước hàng tỷ m3, chắc chắn người và nương ruộng cũng đỡ khát hơn!”.
Chăn nuôi bò hàng hóa
Do lớp thổ nhưỡng hình thành trên nền đá vôi bị phân hoá mạnh, phần lớn lớp phủ thổ nhưỡng ở đây là loại đất đỏ xám hoặc vàng sẫm, thảm thực vật chủ yếu là các loại cây thấp, mật độ thưa; kèm theo rét đậm, hanh khô kéo dài từ tháng 10 năm trước đến mãi tận tháng 4 năm sau, nên Mèo Vạc chỉ có khoảng 12.100 ha đất nông nghiệp phân bố rải rác ở các thung lũng hẹp.
Trải qua bao mùa mưa nắng, đất đai đã dần bạc màu, chỉ trồng được ngô, đậu tương và các loại cây dược liệu, cây ăn quả như tam thất, hồ đào, lê, mận, đào…Tuy vậy, bằng kinh nghiệm từ thực tế sản xuất, trong nhiều năm nay huyện đã chọn hướng chăn nuôi đại gia súc tập trung làm mũi nhọn xóa đói làm giàu cho đồng bào.
Các cơ quan chức năng ở đây kiên trì xây dựng mô hình điểm chuyển đổi diện tích nương bạc màu trồng cỏ Guatemala chăn nuôi, theo kiểu “đồng bào biết thật rõ rồi mới nhân rộng” và đã đạt hiệu quả kinh tế rõ rệt. Minh chứng sống động là Mèo Vạc đã định hình được 4.300ha đất trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc, trở thành vùng trọng điểm nuôi bò hàng hóa lớn nhất của tỉnh Hà Giang với gần 26.000 con, chưa kể trên 27.000 con lợn, 29.000 con dê và 4.000 con trâu và ngựa, trở thành nguồn thu nhập chính của đồng bào các dân tộc trong huyện.
Chợ bò Mèo Vạc họp vào ngày Chủ nhật ngay tại trung tâm huyện lỵ có lẽ là phiên chợ “độc nhất vô nhị” ở nước ta. Ngay từ khi sương mù đang vây bủa núi đồi, ông mặt trời chưa ló dạng thì trên mọi nẻo đường đã tấp nập người dắt gia súc về bán. Những con bò đưa về đây hầu hết đều béo khỏe và được bán với giá từ 14 - 16 triệu đồng/con.
Mỗi phiên chợ như vậy có thể giao dịch tới 200-300 con bò, chưa kể hàng nghìn con gia súc khác. Anh Mùa Xía Sáng ở xã Phả Vi cho biết: “Nếu chỉ trồng lúa, ngô thì đói quanh năm. Trồng cỏ để nuôi gia súc thì người lớn hay trẻ con đều làm được hết. Ngân hàng lại ưu tiên cho vay vốn nữa nên mình vừa nuôi bò đẻ, vừa mua bò gầy về nuôi béo rồi mới bán. Tiền cũng hơi bị nhiều nhiều đấy!”.
Chẳng riêng gì gia đình Mùa Xía Sáng, hầu hết đồng bào trong huyện đều được Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay ban đầu 6 triệu đồng mua một con bò cái. Chỉ sau 3 năm họ đã có 3 con bò, bán đi 2 con và trả vốn ngân hàng xong vẫn lãi bình quân 6 triệu đồng.
Không ít người giờ đã biết tìm mua những chú bò gầy về vỗ béo, mỗi con bò được nuôi như vậy cũng thu lãi từ 800.000 - 1.200.000 đồng. Vì thế vài năm trở lại đây dân vùng cao nguyên đá đã hình thành một nghề mới, đó là nghề “vỗ bò”. Có hộ nuôi từ 40 - 100 con trâu bò, từ đó xây được nhà và sắm sửa được vật dụng hiện đại đắt tiền chẳng kém gì những gia đình ở thành phố Hà Giang.
Ông Trần Văn Hải, một thương lái từ tỉnh Vĩnh Phúc lên mua bò tại đây cho biết: Người vùng cao nuôi bò nhốt, chăm sóc tốt nên lớn rất nhanh. Thịt bò ở đây có mùi vị thơm đậm đà nên được khách hàng ưa chuộng, giá cả lại ít biến động.
Ngoài phát triển đàn bò làm chủ lực, vùng núi đá này còn tập trung thâm canh trên 3.000 ha đậu tương mỗi năm; trồng và khai thác các loại cây dược liệu như tam thất, hồ đào và nuôi ong lấy mật, cũng góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho bà con, nên huyện đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 30%.
Đề cập đến sự kiện Cao nguyên đá Đồng Văn (trong đó có Mèo Vạc) vừa được công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu, Bí thư Huyện ủy Sùng Minh Sinh khẳng định: Đây là cơ hội lớn để trong thời gian tới, địa phương khai thác tiềm năng cảnh quan, lịch sử, văn hóa rất độc đáo của mình để phát triển du lịch, tạo thêm những nghề mới cho đồng bào các dân tộc ở vùng đất cực Bắc vươn lên xóa nghèo bền vững.
Văn Hào-Minh Tâm