Cởi nút thắt tín dụng cho nông nghiệp

Nông nghiệp là một trong 5 lĩnh vực được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ưu tiên giải ngân vốn. Chính phủ cũng có nhiều chính sách, định hướng giúp nông dân tiếp cận vốn.

Nhưng thực tế, nông dân ở nhiều nơi vẫn khó tiếp cận nguồn vốn dài hạn vì chưa đủ năng lực làm đề án vay vốn, còn các ngân hàng thương mại vẫn ngại rủi ro. 

Cung cầu chưa gặp nhau

Theo ông Trần Văn Tần, Trưởng phòng Tín dụng Nông nghiệp nông thôn, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), nông nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế nên đã có nhiều chính sách ưu tiên tín dụng cho lĩnh vực này. Lãi suất trần cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp hiện là 7%, thấp hơn các lĩnh vực khác. Các ngân hàng cho vay nông nghiệp lớn được giảm dự trữ bắt buộc và được ưu tiên vốn. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng tín dụng của khu vực nông nghiệp là 17,39%, cao hơn mức 13,51% của nền kinh tế.

Cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp hầu hết là khoản vay ngắn hạn, nhỏ lẻ. Ảnh: Huỳnh Sử - TTXVN

Tuy nhiên, cơ cấu cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp còn bất cập như hầu hết các khoản vay là ngắn hạn, vay nhỏ lẻ, phục vụ cho nhu cầu mùa vụ, chưa đầu tư vào chiều sâu, công nghệ. Do vậy, tăng trưởng của ngành nông nghiệp vẫn chưa thể bứt phá.

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV cho biết: “Chúng tôi dành tới 16% nguồn vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có tới 83% khoản vay là ngắn hạn, chỉ có 17% trung dài hạn. Cho vay lĩnh vực nông nghiệp khá rủi ro, muốn vay trung, dài hạn, người vay phải có kế hoạch kinh doanh cụ thể. Nhưng phần lớn nông dân Việt Nam lại sản xuất nhỏ lẻ, vay theo mùa vụ”.

Cùng quan điểm này, ông Hashimoto, đại diện văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho biết: “Tháng 9/2015, chúng tôi khảo sát nhu cầu vay vốn của nông dân tại Lâm Đồng, cũng có tới 83% người dân vay vốn ngắn hạn. 60% số người vay vốn là khoảng 50 triệu đồng. Họ cũng muốn vay vốn dài hạn nhưng không vay được vì không có tài sản thế chấp.

Đại diện NHNN, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cũng thừa nhận, mặc dù có cơ chế bảo lãnh, có các quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương, nhưng việc triển khai thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhiều cho nhu cầu vay vốn của người dân. Hơn nữa, cho vay nông nghiệp có rủi ro nên bảo hiểm rủi ro trong nông nghiệp cần đặc biệt quan tâm. Nếu rủi ro không được chia sẻ có thể bị cản trở cấp tín dụng cho nông nghiệp.

Thực tế, nhiều người dân muốn đầu tư lớn nhưng họ lại không có tài sản thế chấp, mặc dù đã có những hợp đồng tốt được ký với nhiều đối tác. Do vậy, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, cùng với hạ suất lãi suất thì các ngân hàng cũng phải quan tâm giúp đỡ người dân xây dựng các hồ sơ vay vốn, thẩm định dự án, giám sát quá trình vay vốn. Như vậy, nguồn vốn sẽ được sử dụng hiệu quả hơn, đúng đối tượng hơn.

Tăng cường giám sát sử dụng tiền

Theo JICA Việt Nam, để giúp nông dân Việt Nam tiếp cận vốn đầu tư các dự án dài hạn, công nghệ cao, sản xuất an toàn, JICA sẽ cho vay ưu đãi đối với Việt Nam thông qua Bộ Tài chính, các ngân hàng thương mại. Đồng thời, JICA sẽ giúp người dân nâng cao năng lực làm dự án vay vốn, giúp các ngân hàng nâng cao năng lực thẩm định dự án, từ đó sẽ khơi thông điểm nghẽn giữa ngân hàng và nông dân đang tồn tại lâu nay.

Theo ông Lê Ngọc Lâm, để triển khai cho vay lớn, cần đào tạo, hướng dẫn nông dân, doanh nghiệp bài bản, để họ có thể lập các dự án kinh doanh, dự án đầu tư. Ví dụ đầu tư theo hướng công nghệ cao, sản xuất an toàn... phải là các hộ nông dân vừa và lớn. Trong thời gian tới, BIDV cũng với các đối tác xây dựng các chính sách đặc thù hơn để các hộ nông dân tiếp cận được vốn vay dài hạn.

Còn theo ông Mori Mutsuya, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam, thay vì chỉ dựa trên tài sản thế chấp để cho vay, chúng ta có thể dựa trên hợp đồng đã được ký giữa cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp phân phối. Ví dụ, Công ty PT sản xuất rau quả ở Lâm Đồng đã ký được một hợp đồng 5 năm với siêu thị Aeon Bình Dương, chúng ta có thể dựa vào đó để cho vay dài hạn. Chính phủ nên hỗ trợ những doanh nghiệp theo hình thức này để doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn.

“Chúng tôi sẽ thực hiện thí điểm mô hình hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn ở Lâm Đồng, sau đó sẽ nhân rộng ra các tỉnh, thành phố khác. Sẽ hình thành các tổ chức đánh giá, thẩm định các dự án của nông dân, từ đó mới cho vay ưu đãi, đảm bảo người dân tiếp cận được nguồn vốn này. Ngoài ra, các dự án về hỗ trợ kỹ thuật sẽ giúp nâng cao năng lực thẩm định tài sản đảm bảo cho các ngân hàng và giúp nông dân trình bày rõ ràng các dự án của mình”, ông Mori Mutsuya cho biết thêm.

Đồng tình với dự án này, ông Nguyễn Đồng Tiến cho biết, nhiều khoản vay từ các ngân hàng đang giúp một số nông dân thoát nghèo, nhưng chưa vươn lên giàu được. Vì vậy, thời gian tới định hướng của Chính phủ là tạo ra các mô hình sản xuất và phân phối theo chuỗi giá trị khép kín để các hộ nông dân sản xuất nhỏ cũng có thể tham gia vào chuỗi này thông qua các hợp đồng và các ngân hàng cũng giám sát dòng tiền hiệu quả hơn. Do vậy, NHNN sẽ cùng với JICA tích cực phối hợp để ký kết các hiệp định vay, giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, thúc đẩy phát triển, tái cơ cấu nền nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, cạnh tranh mạnh mẽ hơn.
Hữu Vinh
Giữ vững vai trò “chủ lực” tín dụng nông nghiệp, nông thôn
Giữ vững vai trò “chủ lực” tín dụng nông nghiệp, nông thôn

Là Chi nhánh trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT (Agribank) Việt Nam - một Ngân hàng thương mại Nhà nước với đối tượng phục vụ chính là nông nghiệp, nông thôn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN