Bản Sinh Tàn nằm vắt vẻo trên đỉnh núi Èn Choong cao và xa. Để đến được bản, chúng tôi phải vượt qua chặng đường đất hơn 10 cây số từ trung tâm xã Thượng Cửu (Thanh Sơn - Phú Thọ). Nơi đây là miền đất mưu sinh từ bao đời của hơn 60 hộ người Dao. Cuộc sống khó khăn nhưng từ lâu, sự học vẫn nhen lên niềm tin và sức sống nơi sơn thẳm này…
“Ốc đảo” giữa núi rừng
Từ lâu rồi, người ta vẫn gọi và nghĩ về bản Dao Sinh Tàn như một “ốc đảo” biệt lập giữa khu rừng Èn Choong cao vời vợi. Bởi Sinh Tàn cách trung tâm xã Thượng Cửu tới hơn 10 cây số và chỉ có con đường mòn dẫn vào bản. Trước đây, muốn vào bản Dao này người ta phải đi bộ vì đường nhỏ hẹp, khó đi, trời mưa thì trơn như đổ mỡ, ô tô và xe máy cũng “bó tay” khi muốn đến được Sinh Tàn nhanh hơn. Sinh Tàn hiện nay đường dễ đi hơn do xã đã mở rộng đường song cuộc sống nơi đây còn nhiều khó khăn lắm. Theo ông trưởng bản Đặng Văn Nội thì cả bản có tới gần 40 hộ thuộc diện hộ nghèo và là nghèo thực sự. Kinh tế chủ yếu ở đây là trồng lúa nước, ngô và sắn. Nhiều năm dài, trình độ canh tác lạc hậu nên năng suất thấp và chuyện thiếu ăn với dân bản Dao là chuyện bình thường.
Khu trung tâm bản Sinh Tàn có phân hiệu trường Tiểu học và trường mầm non. |
Tuy khó khăn song người dân bản Sinh Tàn vẫn không quên chuyện chăm lo học hành cho con em mình. Qua nhiều năm đói kém triền miên, người Dao ở Sinh Tàn không có điều kiện để nghĩ đến chuyện học chữ. “Chỉ lo cho no cái bụng, ấm cái người là tốt lắm rồi”, ông trưởng bản Sinh Tàn Đặng Văn Nội tâm sự. Những ngày giáp hạt, học sinh bỏ học nhiều. Không biết làm cách nào khác, các thầy cô cắm bản phải lặn lội đi tới sơn cùng, ngõ hẻm để “dỗ” học trò, đưa các em xuống núi học chữ. Nhưng đó là câu chuyện của những năm trước đây. Còn bây giờ thì khác rồi. Cách nghĩ và nhận thức của đồng bào Dao ở đây đã khác trước nhiều. Với họ, ấm cái thân, no cái bụng không phải là chuyện trong nay mai mà cần nhìn xa hơn, vượt hơn cả đỉnh Èn Choong cao vời vợi. Đó là việc đưa con em mình xuống núi học chữ. Có như thế, tương lai tươi sáng sẽ về với bản Sinh Tàn trong nay mai. Bởi vậy, một mặt người dân Sinh Tàn nỗ lực vượt khó để lao động, tăng gia sản xuất, một mặt, tích cực vận động bọn trẻ xuống núi học chữ.
Nghe lời người lớn và thầy cô, những đứa trẻ Dao khuôn mặt nhem nhuốc, tóc vàng hoe, vẻ mặt đầy nắng đầy gió khi đến tuổi đều cắp sách đến trường học chữ. Tuy còn nhiều gian khó níu bước chân nhưng bọn trẻ đã yêu trường, yêu lớp và nghe lời thầy cô qua từng nét chữ. Biết vậy, người dân bản Sinh Tàn vui lắm và chắp thêm niềm hi vọng vào ngày mai tươi sáng.
Gian nan sự học
Lớp học ở bản Sinh Tàn đơn sơ lắm. Vì là phân hiệu nên lớp dựng tạm bằng gỗ và vách nứa. Lớp học ghép có 30 học sinh học tiểu học và một lớp mẫu giáo nhỏ. Xã dựng phân hiệu tại đây để bọn trẻ có điều kiện học chữ ngay tại bản. Khi lên lớp lớn lại chuyển ra điểm trường trung tâm ở trung tâm xã. Theo các thầy cô giáo cắm bản ở đây, ban đầu khi mới mở lớp, bọn trẻ ở đây quen và thành thạo việc nương rẫy hơn là học chữ nên khi cầm bút nắn nót từng vần thấy khó quá và không quen. Bởi vậy, những năm trước đây, chuyện bọn trẻ bỏ học đi lên nương làm ngô, trồng sắn với bố mẹ là chuyện như cơm bữa. Thầy cô phải vất vả đi vận động và đưa các em về lớp.
Những đứa trẻ ở Sinh Tàn. |
Cắm bản dạy chữ là “nghiệp gian nan” của thầy cô giáo vùng cao nhưng ở bản Sinh Tàn, cắm bản dạy chữ đối với thầy cô quả là một câu chuyện dài về sự kiên trì bám lớp bám bản, yêu nghề và mến trẻ. Giáo viên ở Sinh Tàn chủ yếu là ở miền thấp hay miền xuôi tình nguyện lên bản Dao này dạy học. Đến nay, dân bản nhớ mãi tên những cô giáo đã từng đến đây gieo mầm chữ cho con em họ. Đó là cô Cúc quê ở Thanh Sơn, cô Hạnh ở Địch Quả, cô Hà ở Tân Sơn rồi cô Bình ở Văn Miếu…Với các cô, lên Sinh Tàn dạy chữ đều xuất phát từ sự tự nguyện mà không đòi hỏi bất kỳ một điều kiện nào. Bởi nếu đòi hỏi, các cô sẽ mắc nợ dân bản, mắc nợ học trò.
Những ngày đầu lên Sinh Tàn, cái gì cũng thiếu cả. Điện, nước, phòng ở và thức ăn hằng ngày… Có những buổi sau giờ học, cô cùng học trò men theo bờ suối để hái rau rớn rừng, măng rừng về dùng rau ăn. Bản xa trung tâm, đường vào lầy lội những khi trời mưa do vậy, các cô ở lại bản hàng tháng trời mới về thăm nhà. Những đêm mưa trong căn phòng vách nứa đơn sơ, nằm nghe tiếng suối chảy, tiếng mưa rơi, các cô thấy nhớ nhà, nhớ con da diết. Càng nhớ con, các cô càng thương yêu bọn trẻ ở Sinh Tàn. Chỉ mong chúng biết đọc, biết viết để xuống núi đi học chữ.
Khó khăn và thiếu thốn giữa “ốc đảo” Sinh Tàn nhưng cả cô và trò đều vượt khó để vươn lên. Học trò của Sinh Tàn ngoan, lễ phép, biết nghe lời cha mẹ và thầy cô. Khi học xong ở phân hiệu, 100% trẻ biết đọc, biết viết, sẵn sàng ra điểm trường trung tâm để học lớp lớn hơn. Theo đánh giá của UBND xã Thượng Cửu, phân hiệu Sinh Tàn hằng năm có tỷ lệ huy động trẻ đến lớp đạt 100%, trong đó có 20% số học sinh đạt chất lượng học sinh giỏi. Người dân bản Dao Sinh Tàn vui lắm, biết bọn trẻ ham học chữ nên gia đình nào cũng cố gắng cho các cháu đi học ở những bậc cao hơn như học cấp 2, cấp 3 rồi đại học và cao đẳng. Điều đó chứng tỏ rằng sự nhận thức về chuyện học chữ của người dân nơi đây đã thay đổi rồi.
Chia tay bản Sinh Tàn, phía sau chúng tôi vẫn vang vang tiếng học bài của bọn trẻ. Tiếng trẻ thơ trong trẻo hòa vào tiếng róc rách của suối ngàn cùng màu xanh của cây rừng khiến chúng tôi mường tượng những điều tốt đẹp sẽ về với đỉnh Èn Choong này trong tương lai không xa.
Bài và ảnh: Nguyễn Thế Lượng