Con đường “tăng giá” của hạt gạo

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất của cả nước, thế nhưng đã từ lâu, người sản xuất lúa gạo lại bị thiệt thòi nhất về lợi ích so với những chủ thể khác như: thương lái, doanh nghiệp hoạt động ở khâu phân phối lúa gạo. Phóng viên Tin Tức đã “3 cùng” với người nông dân đồng bằng sông Cửu Long và nhận ra hàng loạt vấn đề bất cập từ khâu sản xuất đến phân phối.

 

Bài 1: Cơ cực nhà nông

 

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa lớn nhất nước nhưng người nông dân tại đây vẫn nghèo khó.


 

Anh Nguyễn Việt Hải đang thoát nước để gieo sạ lúa.

 

 Trong những ngày cuối tháng 6, chúng tôi có mặt tại thành phố Cần Thơ, một trong 13 tỉnh, thành của vùng ĐBSCL với diện tích sản xuất nông nghiệp hơn 115.000 ha, trong đó gần 89.000 ha đất trồng lúa. Đây cũng là thời điểm nhà nông đã bắt đầu sản xuất lúa vụ 3, vụ lúa cuối cùng trong năm.

 

Làm không đủ ăn


Ông Tám Nhớ, một lão nông 63 tuổi ngụ tại ấp Thới Quang, thị trấn Thới Lai thở dài ngao ngán khi nhắc đến vụ lúa hè thu vừa qua. Ngồi trên bờ ruộng có diện tích 13 công (gần 1.000 m2/công) của mình, ông trăn trở: “Vụ vừa rồi, tôi thu hoạch được tầm 10 tấn lúa hạt dài OM4218. Thương lái vào mua lúa tươi với giá chỉ 4.000 đồng/kg”.


Ông Tám Nhớ cho biết thêm, chi phí sản xuất cho một công lúa OM4218 từ khi gieo sạ đến khi thu hoạch lên đến 2,4 triệu đồng. Như vậy, mức lợi nhuận của người trồng lúa chưa đạt mức tối thiểu là 30% như mục tiêu đề ra của Nhà nước. Trong khi thu nhập ít ỏi, nhưng gia đình ông Tám Nhớ có đến 6 nhân khẩu, tính bình quân thu nhập đầu người trong một tháng chỉ vỏn vẹn gần 500.000 đồng.


Tại Cần Thơ, chúng tôi cũng đã gặp nhiều nông dân và tận mắt chứng kiến cuộc sống khó khăn của họ. Như gia đình anh Trần Văn Trí, ở ấp Đông Lợi, xã Đông Bình, huyện Thới Lai có 6 công ruộng trồng lúa IR50404 bán với giá 3.600 đồng/kg. Anh Trí tính toán, trừ hết chi phí, cả gia đình anh 3 nhân khẩu chỉ có thu nhập khoảng 960.000 đồng/tháng. Anh Trí cay đắng nói: “Năm 2003, hai vợ chồng tôi đã phải để con ở quê cho ông bà trông nom để lên Sài Gòn đi buôn giấy tập học sinh, vậy mà còn kiếm được 5 triệu đồng/tháng. Không muốn bỏ con bơ vơ, sợ con thất học nên vợ chồng tôi quay về quê tìm kế sinh nhai trên ruộng đồng. Nhưng cứ thu nhập bấp bênh nên chắc lại phải tính bỏ ruộng đồng để lên thành phố mưu sinh”.

 

Không biết vụ tới sẽ ra sao?


Chúng tôi tiếp tục đến ấp Thới Thanh, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, trong tiết trời âm u sau đợt mưa kéo dài từ những ngày đầu tháng 6. Anh Nguyễn Việt Hải, 28 tuổi, một nông dân với khuôn mặt đen sạm, lấm lem vết dầu mỡ đang loay hoay nổ máy bơm thoát nước từ mẫu ruộng ngập úng của mình. Anh Hải buồn rầu nói: “Tôi sạ lúa giống vụ mới này đã lần thứ 3 rồi. Từ đầu tháng 6 đến giờ, trời mưa liên miên không dứt làm lúa bị úng thối hết”.


“Vụ này thì không biết năng suất ra sao chứ riêng việc phải gieo sạ đi gieo sạ lại tôi đã tốn gần 5 triệu đồng chi phí các loại”, anh Hải than thở.


Được biết, anh Hải có 7 công đất mướn với giá 21 triệu đồng/năm. Để bắt đầu cho vụ mới trồng lúa R50404, anh phải tốn hơn 650.000 đồng cho một công đất bao gồm: tiền xăng chạy máy xới đất, tiền lúa giống, tiền phân và thuốc diệt các loại ốc gây hại… Như vậy, trong những đợt gieo sạ lại, anh Hải cũng như những nhà nông khác phải mua lại lúa giống với số lượng từ 25 - 30 kg cho một công đất với giá khoảng 11.000 đồng/kg chưa kể phải tốn thêm tiền phân bón, thuốc trừ sâu. Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, đợt mưa liên tiếp kéo dài từ đầu tháng 6 đã gây ảnh hưởng hơn 1.000 ha lúa vụ 3.


Vụ lúa hè thu vừa qua, anh Hải bị lỗ hơn 10 triệu đồng do bị thiên tai, dịch bệnh. Anh Hải cho biết: “Với 7 công lúa, dù lúa có đạt năng suất trung bình 800 kg lúa/công thì cả gia đình tôi có 3 người thì cũng chỉ có thu nhập khoảng 400.000 - 500.000 đồng/người/tháng. Thu nhập như vậy thì không đủ sống. Trong khi đó, còn bị thất thu do thiên tai, dịch bệnh. Vụ này từ lúc gieo sạ đã bị mưa nên nông dân cũng lại phải đối mặt với nguy cơ bị lỗ”.


Chúng tôi hỏi anh có biết nguyên nhân vì sao mà giá thu mua lúa thấp không? Rít một hơi thuốc dài, đôi mắt anh đăm chiêu nhìn chiếc máy bơm vẫn phát tiếng kêu “xình xịch” để thoát nước ra khỏi cánh đồng ngập úng, anh nói: “Tôi suy nghĩ hoài mà cũng không hiểu vì sao giá lúa thấp nữa! Chỉ nghe thương lái nói giá lúa xuống do mình xuất khẩu không được”.


Bài và ảnh: Anh Đức

 

Bài 2: Khâu phân phối trung gian… “ăn lãi to”

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN