Còn nhiều hủ tục trong hôn nhân - Bài cuối

Địa phương cần quyết liệt hơn


Theo ông Nông Đình Quy - Chủ tịch UBND xã Yên Sơn, tình trạng hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn một phần là do dân trí nơi đây quá thấp, một phần do nghèo quá nên không ai chịu về làm dâu, chỉ có anh em họ hàng thông cảm cho nhau nên mới gả bán cho nhau. “Tuy nhiên, theo những gì chúng tôi thấy thì không hẳn là do nghèo và dân trí thấp mới có hôn nhân cận huyết thống.

 

Ngay như gia đình chị Nhung và anh Đôn, trước khi lấy nhau gia đình anh Đôn thuộc loại khá giả trong thôn, có nhiều ruộng đất và trâu bò, nhưng do tâm lý sợ phải chia sẻ tài sản và con cái với dòng họ khác nên mới ép gả con cái trong họ lấy nhau. Chỉ khi lấy nhau rồi, chẳng những không giữ được của cải mà họ còn làm cho nòi giống của mình ngày một teo tóp. Thậm chí có trường hợp như gia đình ông Hoàng Văn Dinh và Hồ Văn Ngài, thì đâu phải do dân trí thấp, bản thân ông Ngài là đảng viên, nguyên là thiếu tá công an về nghỉ hưu nhưng vẫn ép con cháu mình phải lấy nhau”, ông Nông Đình Quy cho biết.

 

Một cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết.


Trao đổi với phóng viên, bà Lục Thị Thắng - Giám đốc Chi cục Dân số tỉnh Cao Bằng, khẳng định: Tổng cục Dân số, Chi cục Dân số tỉnh Cao Bằng đã cùng vào cuộc, lập phòng tuyến, dựng đề án, ra quân ngăn chặn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết với những hệ lụy đau lòng của nó. Tuy nhiên, việc thay đổi suy nghĩ của đồng bào không thể một sớm, một chiều mà làm được.


Bà Thắng chia sẻ: Năm 2009, tiến hành khảo sát 4 xã của huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) thì có xã như xã Vũ Nông có tới 90% số cặp kết hôn trong năm là tảo hôn, hay xã Phan Thanh tỷ lệ là 80% - số cặp kết hôn trong năm là tảo hôn. Và đến nay, kết quả trong các báo cáo nào của ngành dân số và hầu hết các cấp chính quyền vẫn là các cụm từ: “Đã giảm đáng kể” và “tuy nhiên, một số nơi vẫn còn khá phổ biến”, còn cũng chưa đưa ra được tỷ lệ giảm chính xác là bao nhiêu.

 

Hôn nhân cận huyết là nguyên nhân khiến trẻ phát triển không bình thường.


Còn bà Hoàng Thị Hồng Vân - Phó Giám đốc Trung tâm dân số và kế hoạch hóa gia đình huyện Thông Nông cho biết: “Thực trạng ở địa phương chúng tôi nắm rất rõ, nhưng giải pháp đưa ra thì phải thú thật chưa mấy hiệu quả. Chúng tôi cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân, nhưng nhận thức người dân vẫn chưa có nhiều biến chuyển. Thậm chí, đến nay nhiều cộng tác viên dân số còn xin nghỉ vì một phần tuyên truyền không hiệu quả, một phần do thù lao quá thấp”.


Giải quyết những hủ tục nêu trên dĩ nhiên là vô cùng khó khăn, nhưng không phải là bài toán không có lời giải. Ví dụ điển hình là việc tuyên truyền như "mưa dầm thấm lâu" đã mang lại những kết quả khả quan đối với đồng bào Mông Xanh ở xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn (Lào Cai). Trước đây, tập tục hôn nhân của dân tộc này chỉ cho phép lấy người cùng dân tộc, vì vậy các cặp vợ chồng cùng hoặc cận huyết thống rất phổ biến. Hậu quả là giống nòi bị thoái hóa, tỷ lệ dị tật, thiểu năng ở mức rất cao, phần lớn đồng bào Mông Xanh trưởng thành chỉ cao khoảng 1,50 m. Nhờ sự quyết liệt trong công tác tuyên truyền vận động của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, tập tục này tới nay đã cơ bản được xóa bỏ. Đã có những chàng trai, cô gái người Mông Xanh đi lấy vợ, lấy chồng người dân tộc khác.


Với “minh chứng” cụ thể này, hy vọng lãnh đạo tỉnh Cao Bằng sẽ sớm vào cuộc, để giải quyết dứt điểm những hủ tục trong hôn nhân, góp phần thay đổi đời sống của đồng bào.


Bài và ảnh: Mạnh Hà

Những nỗi đau từ hôn nhân cận huyết
Những nỗi đau từ hôn nhân cận huyết

Ở một số xã của huyện Thông Nông và huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, vẫn còn những em nhỏ còi cọc, tật nguyền, do được sinh ra trong cuộc hôn nhân cận huyết thống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN