Không ai biết rõ người Mơ Nông biết sử dụng cồng, chiêng (thường gọi chung là chiêng) từ bao giờ, chỉ biết có những bộ chiêng được ghi trong gia phả tới 15 đời, có nghĩa đã trên 300 năm tuổi.
Ngày xưa hầu hết mọi nhà thuộc diện khá giả đều có ít nhất một bộ chiêng, cũng có thể là bộ 3 cái, 5 cái, 7 cái, bộ 9 cái thì rất hiếm. Thậm chí nhà giàu hoặc quan chức trong hội đồng Già làng có đến hàng chục bộ. Họ sắm chiêng vừa để làm của hồi môn cho con cái sau này, hoặc làm lễ vật cho con gái đi lấy chồng, bởi không ít nhà trai đã đòi chiêng thay vì trâu, bò, vàng bạc… Còn những người nghèo mặc dù rất quý chiêng song ‘’lực bất tòng tâm’’ vì không có tiền để sắm.
Trước những năm 1960, do chiến tranh mà người Mơ Nông cũng như hầu hết các dân tộc khác ở Tây Nguyên phải xé mỏng cộng đồng ra, sống rải rác, với mục đích để đối phương không có khả năng dồn dân lại. Mỗi buôn vì thế chỉ có vài chục hộ. Vì lẽ đó, tiếng chiêng là một phương tiện thông tin liên lạc hữu hiệu nhất của cộng đồng các dân tộc.
Mỗi khi tiếng chiêng của bất kỳ nhà nào gióng lên lập tức mọi người đã nhận ra ngay chiêng báo điềm gì: Điềm dữ như báo có thú dữ, có giặc, có trộm cướp đến buôn thìchiêng đánh 3 tiếng từng hồi giật cục. Lúc này chẳng ai bảo ai đều bỏ cả công việc đang làm chạy về nhà lấy chiêng đáp lời, chỉ trong chốc lát hàng trăm người đã có mặt tại nơi xảy ra sự việc. Điều buồn như báo có người chết thì đánh rời rạc từng tiếng, ngay sau đó thì nhà có chiêng đều gióng lên ít tiếng để cùng chia sẻ.
Nỗi mừng như cưới xin, được mùa, mừng lúa mới…, gia chủ tấu lên những giai điệu rộn ràng, vui nhộn như tiếng mời gọi tha thiết của gia đình tới tất cả mọi nhà. Khi tiếng chiêng tấu lên, những ai nghe thấy, không phân biệt dân tộc cùng đến ăn mừng. Với niềm vui này thì không thể không có tiếng cồng, chiêng ngân nga thâu đêm, nên ngay từ buổi trưa mọi nhà đã tổ chức cúng chiêng (đơn giản thôi chỉ một bát thức ăn hay một dĩa xôi là được) rồi bỏ chiêng xuống để chỉnh âm cho chuẩn.
Lúc này ‘’thợ’’ chỉnh chiêng hơi vất vả chạy lăng xăng hết nhà nọ đến nhà kia nghe và chỉnh lại nếu như tay búa chủ nhà còn non (chiêng phải chỉnh bằng búa sắt hoặc búa làm bằng gỗ căm-se chứ không dùng vật gì khác), ngay sau đó người lớn chuẩn bị nghỉ, ngủ cho khỏe để có sức phục vụ cả đêm.
Đặc biệt những dịp tết cổ truyền, lễ hội… tiếng chiêng có thể ngân nga trước đó cả tuần lễ và sau lễ chính 3 - 4 ngày.
Tùy theo từng đám mà chọn âm tiết của chiêng để diễn tấu, đơn cử như đám ma chỉ được dùng từ một đến hai bộ chiêng và thợ phải chỉnh âm cho trầm, buồn, thê lương… Còn các đám vui khác, tất cả tiếng chiêng được chỉnh trả lại nguyên vẹn âm điệu vốn có của nó và tùy theo độ cao thấp theo âm hưởng của bài chiêng mà sử dụng các bộ chiêng nào cho thích hợp.
Đặc biệt khi diễn tấu chiêng ở các đám vui rất cần một không gian rộng bởi chiêng không thể diễn tấu trong nhà dân và cả trong nhà rông, mà phải diễn tấu ở ngoài trời như sân nhà rông, bến nước, ven rừng hay một cánh rẫy mênh mông thì chiêng mới có “hồn’’, thêm nữa song hành cùng chiêng phải có lửa, có các điệu nhảy, điệu xoan và có hàng trăm người cổ vũ.
Bài:Amatrung,Ảnh:TTXVN