Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN – tạo dựng bản sắc dân tộc

Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) là một “chân kiềng” trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, có vai trò bổ trợ và tạo thuận lợi cho việc hình thành Cộng đồng Chính trị - An ninh cũng như Cộng đồng Kinh tế ASEAN.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại lễ ký thành lập cộng đồng ASEAN. Ảnh: Đức Tám – TTXVN

Ý tưởng về ASCC nói riêng trong tổng thể Cộng đồng ASEAN nói chung được khởi nguồn từ văn kiện Tầm nhìn ASEAN 2020 và được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN không chính thức lần thứ 2, tháng 12/2007. Mục tiêu cơ bản của trụ cột thứ ba, thể hiện trong Tuyên bố Hòa hợp ASEAN (Bali II) và Kế hoạch Tổng thể xây dựng ASCC, là góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm; có trách nhiệm xã hội nhằm xây dựng tình đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và dân tộc ASEAN bằng cách tiến tới một bản sắc chung; xây dựng một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hòa thuận và rộng mở, nơi mà cuộc sống, mức sống và phúc lợi của người dân được nâng cao.

Cộng đồng khu vực được nêu trong Tầm nhìn ASEAN 2020 có những nhân tố chủ chốt như: nhận thức rõ về các mối quan hệ lịch sử, di sản văn hóa, gắn bó với nhau bởi bản sắc khu vực được tăng cường; gắn kết và đùm bọc nhau về mặt xã hội, trong đó nghèo đói, suy dinh dưỡng không còn là vấn đề lớn; gia đình, đơn vị cơ bản của xã hội, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ, người già, những người khuyết tật được quan tâm đặc biệt; công bằng xã hội được đề cao; một cộng đồng không ma túy, có khả năng cạnh tranh cao; một ASEAN ‘xanh và sạch’, có khả năng ứng phó tốt hơn với các nguy cơ như ô nhiễm môi trường, các loại tội phạm xuyên quốc gia; một cộng đồng có sự tham gia rộng rãi hơn của người dân, nơi phẩm giá và phúc lợi của con người được đề cao, vì lợi ích chung của cộng đồng.

Mục tiêu xây dựng ASCC đã được cụ thể hóa thông qua các chương trình hợp tác cụ thể, như Kế hoạch hành động ASCC năm 2004, Chương trình Hành động Viêng Chăn năm 2004 và hiện nay là Kế hoạch Tổng thể ASCC 2009-2015. Kế hoạch Tổng thể xây dựng ASCC gồm 6 thành tố chính: Phát triển con người; Phúc lợi và bảo hiểm xã hội; Các quyền và bình đẳng xã hội; Đảm bảo môi trường bền vững; Tạo dựng bản sắc ASEAN và Thu hẹp khoảng cách phát triển. Các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Kế hoạch Tổng thể ASCC đang được thúc đẩy trên nhiều lĩnh vực và tập trung vào 6 thành tố chính kể trên. Cụ thể như ASEAN khuyến khích phát triển giáo dục, thúc đẩy hợp tác y tế ngăn ngừa và kiểm soát bệnh dịch truyền nhiễm, phòng chống HIV/AIDS, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy và bảo vệ quyền của các nhóm đối tượng yếu thế, tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức môi trường xuyên biên giới như ô nhiễm khói mù, chất thải, bảo vệ môi trường biển, đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu. Đặc biệt, về xây dựng bản sắc ASEAN và nâng cao ý thức cộng đồng, ASEAN chú trọng gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của khu vực, thúc đẩy trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân, đề cao nguyên tắc thống nhất trong đa dạng, tăng cường sự hiểu biết và chia sẻ giữa người dân về văn hóa, lịch sử, tôn giáo và văn minh.


Cho đến nay, 100% các biện pháp trong lộ trình hình thành trụ cột Văn hóa – Xã hội của ASEAN đã được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, phần lớn trong số này cần tiếp tục thực hiện trong giai đoạn sau năm 2015 để hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng hướng tới người dân, thực sự lấy người dân làm trung tâm và để hơn 600 triệu dân ASEAN được thụ hưởng kết quả của quá trình xây dựng Cộng đồng.

TTXVN/Tin Tức
Kết quả quan trọng nhất là ký Tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN
Kết quả quan trọng nhất là ký Tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN

Kết quả quan trọng nhất của các hội nghị lần này là việc lãnh đạo các nước ASEAN ký Tuyên bố lịch sử hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 với sự chứng kiến của Lãnh đạo các nước đối thoại, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cùng đông đảo đại diện giới doanh nghiệp và nhân dân các nước ASEAN.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN