Việc chăm sóc sức
khỏe sinh sản (SKSS), nhất là SKSS đối với lao động nữ còn độc thân chưa được
các doanh nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu thực sự chú trọng, và công nhân cũng chưa thực
mặn mà với công tác này.
7 năm chưa đi
khám lần nào
Chị Kiều Thị T – công nhân KCN Đông Xuyên, quê Thanh Hóa vào Vũng Tàu
lập nghiệp đã 7 năm. 7 năm làm việc cho Công ty TNHH sản xuất giày Uy Việt và
đã đôi ba lần công đoàn của công ty mời các bác sĩ, các chuyên gia tư vấn đến
nói chuyện chuyên đề, tư vấn, tuyên truyền về SKSS vào những ngày chủ nhật,
nhưng chị chưa tham gia một buổi nào.
Chưa có nhiều nữ công nhân quan tâm tới tư vấn sức khỏe sinh sản. Ảnh Dương Ngọc - TTXVN. |
Phần do chị không biết, mà có biết cũng mang tâm lý ngại đến những chỗ
đó vì nghĩ rằng mình chưa có gia đình, tới đó sợ người khác đánh giá. Nếu có
thắc mắc gì về vấn đề SKSS cũng như muốn tìm hiểu thêm về vấn đề này cũng không
biết phải hỏi gì.
Chị Nguyễn Thị Thành, công nhân của Công ty TNHH sản xuất giày Uy Việt
(đã có gia đình) cho biết: Một năm, công ty thường tổ chức 2 lần khám sức khỏe
định kỳ vào tháng 6 và tháng 12, trong đó có khám, tư vấn về SKSS. Trong năm,
công ty cũng mời Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình của tỉnh tới nói
chuyện, tư vấn và tuyên truyền về vấn đề liên quan đến SKSS nhưng người tham
gia hầu hết là nữ công nhân đã có gia đình như chị.
Hiện nay,
Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những tỉnh của khu vực miền Đông Nam Bộ có đông
số lao động nữ nhập cư đến làm việc ở các khu công nghiệp (KCN). Trong số những
lao động nữ này, nhiều trường hợp nạo phá thai, mang thai và sinh con ngoài ý
muốn, mắc các bệnh phụ khoa…
Có quan tâm,
nhưng chưa thường xuyên
Bác sĩ Tôn Thất Khoa – Chi cục trưởng Chi cục Dân
số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, từ năm 2010 đến nay,
việc chăm sóc SKSS cho công nhân nữ ở các KCN đã được ngành y tế tỉnh đặc biệt
quan tâm.
Đặc biệt, hàng năm, Liên đoàn lao động tỉnh đã ký hợp đồng với Chi cục
tổ chức các đợt khám, tư vấn và tuyên truyền kiến thức về an toàn tình dục,
phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm nhiễm đường sinh sản…
tới người lao động, nhất là những doanh nghiệp có nhiều lao động nữ ở các KCN
trên địa bàn tỉnh, theo chỉ tiêu luân phiên ở các công ty trong các KCN mà Liên
đoàn lao động tỉnh giao.
Tuy nhiên, công tác này chưa thực sự trở thành một hoạt động thường
xuyên, một năm chỉ khoảng 1-2 đợt tuyên truyền, tư vấn. Cộng với việc, các công
nhân, nhất là công nhân nữ chưa lập gia đình do tăng ca, không có thời gian và
còn e ngại những vấn đề liên quan đến SKSS nên hiệu quả tuyên truyền, tư vấn
chưa được như mong muốn.
Mặc khác, do kinh phí ít, các đợt tổ chức tuyên truyền, tư vấn chưa thật
sự phong phú, hấp dẫn, mới chỉ dừng ở việc thuyết trình dễ gây nhàm chán nên
chưa thu hút được đông đảo lực lượng công nhân.
Bên cạnh đó, theo khảo sát của phóng viên ở một
số công ty ở các KCN ở Bà Rịa-Vũng Tàu, cũng có một bộ phận công nhân dù có nhu
cầu muốn tìm hiểu nhằm nâng cao nhận thức về SKSS và giới, nhưng công nhân chủ
yếu đi ở trọ với điều kiện sống thiếu thốn, thời gian làm việc dài khoảng 8- 12
tiếng/ngày nên họ ít có điều kiện tiếp cận với các thông tin này. Cùng với đó,
một số doanh nghiệp chủ yếu quan tâm tới lợi nhuận nên lãnh đạo nhiều đơn vị
không muốn mất thời gian cho các hoạt động tuyên truyền, chăm sóc SKSS cho công
nhân.
Trên thực tế, còn không ít chị em chưa quan tâm
đúng mức đến việc chăm sóc sức khỏe sinh sản. Qua các đợt khám sức khỏe tập
trung tại các công ty ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh phụ khoa
ở nữ công nhân còn khá cao, khoảng 60%; tỷ lệ nạo phá thai ước khoảng 30%.
Hoàng Nhị