Công ty Chứng khoán gồng mình vượt khó

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của các Công ty Chứng khoán (CTCK) niêm yết đang thuộc nhóm giảm mạnh nhất, tính tới thời điểm này. Phần lớn giá chỉ còn dưới 5.000 đồng/CP. Theo giám đốc các CTCK, chưa bao giờ ngành dịch vụ này lại rơi vào cảnh suy giảm nặng nề như hiện nay...

Khó tứ bề với dịch vụ chứng khoán

Do ảnh hưởng từ các khó khăn của kinh tế vĩ mô, TTCK liên tục suy giảm từ năm 2009 trở lại đây. Nếu ở thời kỳ thị trường còn sôi động (2008 – 2009), giá trị giao dịch trên thị trường đạt tới 5.000 tỉ đồng/phiên, thì nay, giá trị giao dịch mỗi phiên chỉ còn từ 500 – 600 tỉ đồng.

Sàn giao dịch chứng khoán Kim Eng (quận 1, TP.HCM). Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN


Theo ông Phùng Quang Việt, Phòng phân tích CTCK VNDirect, thị trường đang có khoảng hơn 100 công ty làm dịch vụ chứng khoán (CTCK), trong bối cảnh hiện nay, chỉ có những công ty có thị phần thuộc Top 50 trở lên mới có thể duy trì được hoạt động. Số top dưới sẽ cực kỳ khó khăn.

Không mấy khó để nhận ra ngành dịch vụ chứng khoán đang trong thời kỳ suy thoái nặng. Thường các CTCK hoạt động với 4 dịch vụ chính: môi giới mua – bán chứng khoán; tư vấn doanh nghiệp lên niêm yết sàn chứng khoán; bảo lãnh doanh nghiệp phát hành chứng khoán và tự doanh (CTCK tự mua – bán CK trên thị trường).

Ở mảng môi giới, với giá trị giao dịch của thị trường giảm từ mức 4.000 – 5.000 tỉ đồng/phiên về mức 500 – 700 tỉ đồng/phiên hiện nay, theo thừa nhận của các CTCK, thu không đủ 10% chi của CTCK.

Hai mảng khác là tư vấn DN lên sàn niêm yết và bảo lãnh DN phát hành chứng khoán này hầu như đóng băng. Không CTCK nào thu được một đồng phí từ mảng dịch vụ này trong 3 năm lại đây.

Mảng cuối cùng là tự doanh. Trong giai đoạn kinh tế vĩ mô ổn định, DN niêm yết làm ăn có lãi, do lợi thế về thông tin nên các CTCK rất “ăn nên, làm ra” ở mảng này. Tuy nhiên, việc TTCK giảm triền miên 2 năm nay đã khiến phần lớn CTCK thua lỗ nặng. Các bản báo cáo trích lập dự phòng giảm giá của CTCK luôn ghi với số tiền từ hàng chục tới hàng trăm tỉ đồng/CTCK.

“Giật gấu, vá vai” qua ngày

Để cầm cự trong khó khăn, một mặt các CTCK nỗ lực giảm thiểu chi phí, mặt khác, tập trung nghiên cứu, triển khai các dịch vụ để phục vụ các NĐT.
Một trong những cách cắt giảm chi phí hiệu quả nhất mà các CTCK sử dụng là cắt giảm nhân sự và thu hẹp mặt bằng văn phòng. Nhân viên của CTCK Sài Gòn – Hà Nội cho biết, Công ty này đang có kế hoạch trả lại toàn bộ 3 tầng thuê của cao ốc số 9 Đào Duy Anh để tìm địa điểm mới với chi phí thấp hơn. Cùng thời điểm này, CTCK Thăng Long cũng vừa trả lại 500 m2 mặt bằng tại số 273 Kim Mã. Tại tòa nhà 102 Thái Thịnh, hàng loạt CTCK đã lặng lẽ rời địa điểm này. Số các CTCK đã trót thuê địa điểm dài hạn và nhiều tầng như CTCK APEC thuê 6 tầng tại cao ốc Lê Đại Hành, CTCK VNDirect thuê 4 tầng tại 15 Trần Bình Trọng, CTCK Việt Nam thuê tại số 1 Đào Duy Anh... thì nhượng cho các đối tác khác thuê lại 1 phần diện tích nhằm giảm chi phí.

Số các CTCK khác không bị khó khăn về tài chính thì lại tập trung khai thác các dịch vụ chứng khoán. Ví như nhóm CTCK có vốn đầu tư nước ngoài thì đẩy mạnh việc tạo ra các tiện ích thuận lợi, an toàn nhằm thu hút NĐT mở tài khoản. Nhóm CTCK trong nước lại “bạo gan” hơn trong việc chạy vốn, bỏ ra khoản tiền lớn để cho NĐT sử dụng đòn bẩy hoặc mua một “kho” chứng khoán cho các NĐT lướt sóng...

Ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc kinh doanh – CTCK An Bình cho biết: “Dù nỗ lực thế nào thì hoạt động của các CTCK cũng đang cực kỳ khó khăn. Khó khăn này được các CTCK đánh giá sẽ kéo dài đến hết năm 2012. Trong bối cảnh đó, không loại trừ khả năng sẽ có làn sóng sáp nhập của các DN chứng khoán để trụ lại thị trường trong năm tới...”, ông Long dự báo.

Xuân Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN