Về mặt thủ tục pháp lý, nước Cộng hòa tự trị Crimea (Crưm) đã chính thức là một phần của Liên bang Nga bất chấp sự phản đối của các nước phương Tây. Trong khi đó, Nga và phương Tây tiếp tục đối đầu trong vấn đề áp đặt các biện pháp trừng phạt lẫn nhau.
Ngày 21/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kí ban hành các đạo luật đưa bán đảo Crimea và thành phố Sevastopol gia nhập thành phần Liên bang Nga, đạo luật hiến pháp liên bang về việc Crimea gia nhập thành phần Liên bang Nga và về việc thành lập các chủ thể mới là Cộng hòa Crimea và thành phố cấp liên bang Sevastopol.
tCrimea đã được sáp nhập vào Nga. AFP/TTXVN |
Tiếp đó, ông Putin đã kí sắc lệnh về việc thành lập khu vực liên bang Crimea và bổ nhiệm ông Oleg Belavensev làm đại diện toàn quyền của Tổng thống Nga tại khu vực này. Như vậy, Cộng hòa Crimea và thành phố Sevastopol sẽ chính thức trở thành khu vực liên bang thứ 9 của Liên bang Nga.
Trước đó cùng ngày, với số phiếu tuyệt đối, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã nhất trí thông qua Hiệp ước sáp nhập Crimea, sau khi hiệp ước này đã được Duma quốc gia (Hạ viện) Nga thông qua ngày 20/3. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định việc thông qua văn kiện trên là bước ngoặt cho cộng đồng đa sắc tộc tại Crimea và Nga, vốn có mối liên kết lịch sử lâu đời. Theo ông Lavrov, việc Crimea trở lại với Nga sẽ mang lại sự sung túc, thịnh vượng cho người dân nơi đây.
Trong cuộc điện đàm ngày 20/3 với người đồng cấp Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Nga tuyên bố quyết định sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga sẽ không được xem xét lại vì đây là nguyện vọng của tuyệt đại đa số người dân bán đảo này.
Ngày 21/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về việc Crimea và Sevastopol sáp nhập vào Liên bang Nga, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Việt Nam quan tâm theo dõi chặt chẽ tình hình tại Ukraine và Crimea. Chúng tôi mong mọi vấn đề sẽ được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và nguyện vọng chính đáng của người dân để tình hình sớm ổn định, vì hòa bình và ổn định ở khu vực và trên thế giới”. |
Từ ngày 24/3, đồng rúp của Nga sẽ chính thức được sử dụng tại Crimea. Theo đó, mọi hoạt động như trả lương, thanh toán sẽ được thực hiện bằng đồng tiền này. Ngoài ra, lực lượng tự vệ Crimea sẽ được cải cách và gia nhập vào quân đội Nga.
Moskva sẽ đáp trả các biện pháp trừng phạt
Đối với các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và các nước châu Âu đưa ra, người phát ngôn Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, ngày 21/3, tuyên bố: Nga sẽ đáp trả bằng các biện pháp tương ứng đối với bất kì biện pháp trừng phạt nào nhằm vào nước này. Nga tái khẳng định các biện pháp trừng phạt này hoàn toàn không thể chấp nhận được, tuy nhiên, Nga vẫn chủ trương phát triển quan hệ hợp tác và mong muốn châu Âu tiếp tục là đối tác kinh tế thương mại hàng đầu của Nga cũng như mong muốn phát triển quan hệ với Mỹ. Ông Peskov cũng khẳng định chính quyền sẽ hỗ trợ tất cả các cá nhân và chủ thể bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt.
Trong khi đó người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexandre Lukasevich tuyên bố Nga sẽ đáp trả mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt của Mỹ đưa ra ngày 20/3, trong đó mở rộng danh sách các cá nhân Nga bị trừng phạt.
Trước việc Nga sáp nhập Crimea, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thông báo một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các quan chức Nga. Các nước châu Âu cũng trong tư thế sẵn sàng tung các đòn trừng phạt mới vào Nga.
Ngoài 11 quan chức Nga đã bị trừng phạt, Mỹ đã có thêm một danh sách gồm 20 nghị sĩ và quan chức chính phủ Nga cấp cao. Về phía châu Âu, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ thông báo các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Danh sách trừng phạt của EU gồm ít nhất 12 cá nhân, tất cả đều là người Nga và có vị trí cao, trong đó có cả cố vấn của Tổng thống Putin. Tuy nhiên, không có bộ trưởng Nga nào nằm trong danh sách.
Thùy Dương(tổng hợp)