Ngày 16/3, hơn 1,5 triệu dân nước Cộng hòa tự trị Crimea (Crưm) thuộc Ukraine đã đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về việc sáp nhập vào Liên bang Nga hay không. Trong khi đó, bên ngoài Crimea, mọi ánh mắt đều đang đổ dồn theo dõi sự kiện này.
Sự kiện lịch sử
Các điểm bỏ phiếu đã mở cửa từ 13 giờ ngày 16/3 và kéo dài đến 1 giờ ngày 17/3 (giờ Việt Nam). Kết quả thăm dò ngoài phòng bỏ phiếu do Viện Nghiên cứu Xã hội thực hiện sẽ được công bố ngay sau giờ đóng cửa. Người dân Crimea sẽ đánh dấu vào một trong hai lựa chọn: Một là tán thành sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga, hai là ủng hộ khôi phục lại hiến pháp năm 1992 và duy trì quy chế Crimea trong thành phần Ukraine.
Một điểm bỏ phiếu ở Simferopol ngày 16/3. |
Tại thủ phủ Simferopol của Crimea, từ sáng sớm, hàng chục cử tri đã đứng chật điểm bỏ phiếu trong một trường trung học, trên tay mỗi người đều cầm sẵn lá phiếu. Họ đợi đến lượt vào các phòng có rèm che để lựa chọn trước khi bỏ phiếu vào hòm. Tại điểm bỏ phiếu ở Bakhchysaray - nơi sinh sống của nhiều người Tatar Hồi giáo, có đến 80% cử tri đến bỏ phiếu dù chưa đăng ký trong danh sách trước đó. Họ phải trình hộ chiếu và giấy tờ để xác nhận danh tính trước khi được phép vào bỏ phiếu. Theo quan sát của phóng viên CNN, phần lớn lá phiếu được bỏ vào các hòm được đánh dấu là ủng hộ gia nhập Nga. Mặc dù người dân tộc Tatar thiểu số tẩy chay bầu cử, nhưng lượng cử tri đi bỏ phiếu là rất đông.
Nhận xét về tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu, ông Mikhail Malyshev, chủ tịch Ủy ban Trưng cầu ý dân thuộc Hội đồng Tối cao Crimea, cho biết người dân đi bỏ phiếu với số lượng đông chưa từng thấy kể từ thời Xô Viết.
Một điểm khác biệt trong cuộc bỏ phiếu lần này là các lá phiếu đều được in bằng ba thứ tiếng Nga, Ukraine và tiếng của người Tatar. Trong các cuộc bầu cử trước đó, người dân Crimea chỉ được cầm lá phiếu in bằng thứ tiếng duy nhất là Ukraine. Sự thay đổi này của chính quyền Crimea đã được quan sát viên quốc tế đánh giá cao.
Đảm bảo trật tự cho cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea là các đơn vị tự vệ của bán đảo này với số lượng khoảng 10.000 người. Lực lượng này cũng đang kiểm soát lối vào mọi cơ quan chính quyền, tòa nhà hành chính và các đơn vị quân đội Ukraine ở Crimea. Họ còn có nhiệm vụ là tuần tra đường phố và kiểm tra các phương tiện giao thông.
Sau khi cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea bắt đầu được 5 giờ đồng hồ, các quan sát viên quốc tế ghi nhận chưa có vi phạm nào, và xác nhận tỷ lệ người dân mọi sắc tộc tham gia ở mức cao. Trước đó, các đại biểu Nghị viện châu Âu và các quan sát viên quốc tế nêu rõ họ không phát hiện những sai phạm nào tại các điểm bỏ phiếu ở Crimea, đồng thời khẳng định sự chuẩn bị cho cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea là phù hợp với luật pháp nước Cộng hòa tự trị này và các tiêu chuẩn quốc tế.
Nga tôn trọng lựa chọn của Crimea
Trong bối cảnh Crimea tổ chức trưng cầu dân ý về quyết định sáp nhập vào Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel bàn về tình hình khủng hoảng tại Ukraine.
Cơ quan báo chí điện Kremli ra thông cáo cho biết Tổng thống Putin đã nhấn mạnh việc thể hiện nguyện vọng của người dân bán đảo này được thực hiện hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế - cụ thể là với điều 1 Hiến chương Liên hợp quốc, đồng thời phù hợp với quy định nguyên tắc bình đẳng và quyền tự lựa chọn của các dân tộc. Ông Putin cũng tuyên bố Nga sẽ tôn trọng lựa chọn của nhân dân Crimea.
Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Nga cũng bày tỏ mối quan ngại trước tình hình căng thẳng gia tăng tại miền đông và đông-nam Ukraine do các hoạt động của các nhóm cực đoan. Ông Putin lên án chính quyền Kiev đã bao che cho các nhóm này.
Thông cáo cũng nêu rõ lãnh đạo Nga và Đức cũng trao đổi ý kiến về vấn đề cử một phái bộ quy mô lớn của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đến Ukraine để giám sát tình hình. Ngoài ra, hai bên thống nhất sẽ tiếp tục thảo luận các vấn đề này, kể cả thông qua kênh bộ ngoại giao.
Trong cuộc điện đàm cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry nhất trí sẽ tiếp tục tiếp xúc để tìm giải pháp cho khủng hoảng tại Ukraine, thông qua việc thúc đẩy cải cách hiến pháp sớm. Hai bên cũng thỏa thuận cuộc cải cách hiến pháp này sẽ được tổ chức với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, được các bên chấp thuận và tôn trọng lợi ích của tất cả khu vực của Ukraine. Ông Lavrov cũng tái khẳng định quan điểm nhất quán của Nga về tính hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý về quy chế của Crimea.
Ngoại trưởng Nga cũng kêu gọi Mỹ sử dụng ảnh hưởng của mình để yêu cầu chính quyền hiện nay tại Kiev tiến hành các biện pháp hữu hiệu chấm dứt tình trạng vô luật pháp đối với người dân nói tiếng Nga tại nước này.
Về phần mình, Ngoại trưởng Kerry cam đoan Washington đã thực thi các công việc cần thiết để ngăn chặn tình trạng bất tuân thủ luật pháp tại Ukraine và hy vọng sẽ sớm đạt kết quả tích cực.
Thùy Dương - TTG