Trong công trình nghiên cứu công bố ngày 31/7, các nhà khoa học Mỹ cho biết, một chủng virút cúm gia cầm mới là H3N8 đã gây ra căn bệnh viêm phổi khiến 162 con hải cẩu dưới 12 tháng tuổi ở vùng bờ biển Đông bắc nước Mỹ tử vong và đây có thể là một mối nguy hiểm mới đối với con người.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Columbia, New York, cảnh báo sự biến thể của virút gia cầm này có thể ảnh hưởng đến con người như virút cúm H5N1. Giáo sư W. Ian Lipkin, khoa Y tế công cộng thuộc trường đại học trên, cho biết tất cả các loại virút như Tây sông Nile, Nipah, cúm hay các loại virút gây HIV/AIDS và SARS đều có nguồn gốc từ động vật và đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến con người.
Các nhà khoa học đã xác lập được bản đồ gen hoàn chính của chủng virút cúm nói trên và khẳng định loại virút này có nguồn gốc từ virút cúm gia cầm, đã tồn tại trong loài chim nước ở vùng Bắc Mỹ từ năm 2002. Qua nhiều năm, virút này đã có khả năng lây nhiễm sang động vật có vú bằng cách phá hủy hệ hô hấp của chúng.
Các chuyên gia về thiên nhiên hoang dã lần đầu tiên đưa ra cảnh báo hồi tháng 9/2011 khi số lượng người bị mắc bệnh tăng cao tại khu vực biển trải dài từ bang Maine đến Massachusetts của Mỹ. Triệu chứng đầu tiên khi nhiễm virút H3N8 là bệnh viêm phổi tiến triển nhanh và tổn thương trên da.
Kể từ khi đại dịch cúm bùng phát tại Hồng Công (Trung Quốc) năm 1997, virút cúm gia cầm H5N1 đã khiến một nửa trong số người bị nhiễm tử vong. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố tháng Sáu vừa qua, trong 606 trường hợp bị nhiễm virút cúm gia cầm kể từ năm 2003 đã có 357 trường hợp tử vong. Trong khi đó, virút cúm lợn H1N1 bùng phát tại Mêhicô năm 2009 và lan rộng thành đại dịch toàn cầu khiến 17.000 người thiệt mạng.
TTXVN/Tin tức